Cơ cấu dân số Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng 'già hóa' và thiếu hụt nam giới

Thứ Sáu, 18/12/2020 02:28 PM (GMT+7)

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm của Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975.

Thông qua Tổng điều tra, các thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học của hơn 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã được thu thập nhằm phục vụ công tác hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị tổ chức ngày 18/12. (Ảnh: Lê An)

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được công bố vào ngày 19/12/2019. Tiếp theo các kết quả này, Tổng cục Thống kê thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số, gồm: mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hóa, già hóa dân số, đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, những phát hiện chính từ nghiên cứu này nhằm tiếp tục cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số và đề xuất những khuyến nghị nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng và các giá trị to lớn của các số liệu từ Tổng điều tra đối với Việt Nam trong việc xây dựng và giám sát thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình và ngân sách cả ở cấp Trung ương và địa phương. Những số liệu này cũng giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về những tiến bộ mà Việt Nam cần hỗ trợ quốc tế, bao gồm việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Từ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về mức sinh tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara kêu gọi mọi người quan tâm đến tỷ suất sinh đặc trưng của nhóm nữ tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi với tỷ suất là 11 con/1000 phụ nữ.

So với năm 2016, thì tỷ suất này thấp hơn (19 con/1000 phụ nữ). Năm 2016, tỷ suất sinh đặc trưng của nhóm tuổi vị thành niên của Việt Nam cao thứ 5 trong các quốc gia Đông Nam Á.

Theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.

Mặc dù vậy, mức sinh giữa các vùng, miền và các nhóm dân số có sự khác biệt đáng kể, trong đó mức sinh của một số dân tộc thiểu số còn rất cao. Chẳng hạn, dân tộc H' Mông là một trong 6 dân tộc ít người có quy mô dân số trên 1 triệu người có mức sinh cao nhất là 3,59 con/phụ nữ.

Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất; Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước.

Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi.

Dự báo cho thấy, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như: hiện nay, nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người.

Ngoài ra, dự báo dân số cũng đã được thực hiện theo 3 phương án (trung bình, thấp, cao) dựa trên 3 kịch bản về thay đổi mức sinh gắn với kịch bản về tử vong và kịch bản về di cư. Dự báo theo phương án trung bình, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069).

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng tập trung nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa di cư và đô thị hóa. Theo đó, người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị và cứ 1.000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung cả nước.

Theo phương án trung bình, các đại biểu dự đoán đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 50% dân số sống ở khu vực thành thị; đến năm 2069, con số này là 64,8%.

Phương Dung

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...