"Dân số vàng" không tự động mang lại tác động tích cực mà phải được "giành lấy"

Thứ Năm, 24/10/2019 02:01 PM (GMT+7)

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 69% dân số trong tuổi lao động. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

 Để phát huy được tối đa thế mạnh này, Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

dan-so-vang-6

Đất nước đang bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Ảnh: L.H

Thế mạnh to lớn của lực lượng lao động hùng hậu

Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ "cơ cấu vàng" là dân số có khả năng lao động (từ 15 - 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng". Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quí giá này. Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội "dân số vàng" để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

Thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" là một cơ hội hiếm hoi và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã nói trên. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ "dân số vàng" để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại.

Với tổng số dân là hơn 96 triệu người, hiện nay số người trong độ tuổi lao động ở nước ta đã trên 66 triệu người. Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), đây là dư lợi lớn của "dân số vàng" cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu "dân số vàng".

Chớp lấy thời cơ, ứng phó với thách thức

Một thực tế là phần lớn những người học càng cao thì cơ hội có được việc làm tương xứng lại càng khó, nhiều sinh viên đại học ra trường 2-3 năm nhưng vẫn chưa thể kiếm được việc làm.

Theo thống kê trong 3 quý năm 2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, có thể thấy một điều rất lạ là người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Trong khi đó, người không có bằng cấp lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn. PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) đã chỉ rõ: "Việt Nam chỉ có thể có "dư lợi" dân số tới năm 2018, nếu năng suất lao động không thay đổi". Theo PGS.TS Giang Thanh Long, với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ.

"Nếu giả định cơ cấu thu nhập từ lao động và tiêu dùng bình quân đầu người theo từng độ tuổi của năm 2012 được giữ nguyên và năng suất lao động không thay đổi, thì biến đổi cơ cấu tuổi dân số chỉ có tác động tích cực tới tỷ số hỗ trợ kinh tế tới năm 2018. Nói cách khác, Việt Nam chỉ có "dư lợi dân số" tới năm 2018", PGS.TS Giang Thanh Long nói. Cũng theo phân tích của ông, cơ hội chuyển thành "dư lợi dân số" chỉ còn vài năm nữa, nếu không thay đổi năng suất lao động thì "dư lợi dân số" đang dương trở về 0 vào năm 2018, sau đó sẽ là số âm.

Theo kết quả Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 45,3 giờ năm 2018. Năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành đạt 43,4 nghìn đồng, cao hơn 3,5 nghìn đồng so với năm 2017. Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN, năm 2015 chỉ đạt 4,4 USD, trong khi đó Malaysia đạt 24,9 USD; Thái Lan đạt 12,1 USD; Indonesia đạt 12 USD; Philippines đạt 8,4 USD. Riêng Singapore đạt mức NSLĐ theo giờ rất cao với 54,9 USD.

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Cơ cấu "dân số vàng", nếu không khai thác thì sẽ hết

Thực tế, cơ hội "dân số vàng" không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được "giành lấy" để "đẻ" ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nếu giai đoạn "dân số vàng" diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, "dân số vàng" sẽ không có giá trị nếu không thực sự "vàng" về tri thức và tay nghề.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, để đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được "bẫy thu nhập trung bình" và đương đầu được với thách thức "dân số siêu già" của thời kỳ "hậu dân số vàng", cần tận dụng những vận hội do cơ cấu "dân số vàng" mang lại, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. "Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu "dân số vàng" nếu không khai thác thì sẽ hết. Bởi vậy, nhận rõ, nắm bắt và tận dụng cơ hội này càng sớm càng tốt, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là của mỗi người dân", GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Cơ hội có một không hai

Các chuyên gia cho rằng, thời kỳ "dân số vàng" là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Do đó đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam cần có kế hoạch tận dụng cơ hội "dân số vàng" và ứng phó với những thách thức của giai đoạn già hóa hiện nay trước khi quá muộn…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi có cái nhìn tổng thể, không bó hẹp trong lĩnh vực dân số mà liên quan đến mọi ngành như: Giáo dục, y tế, văn hóa, lao động, việc làm, văn hóa, đoàn thanh niên, công đoàn… Nếu không tận dụng được cơ cấu "dân số vàng", Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi tỷ số phụ thuộc chung lại có xu hướng tăng với tác động chủ yếu từ sự gia tăng tỷ số phụ thuộc người già.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Cơ hội "dân số vàng" đặt ra không ít thách thức. Trong vòng 20 – 30 năm nữa, tận dụng cơ hội "dân số vàng" để tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng. Điều này không thể chờ đợi được nữa, nếu như chúng ta không muốn già trước khi giàu, thậm chí già mà vẫn nghèo". Chuyên gia này cũng chỉ rõ, cần đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực theo nghề, ngành đào tạo trong các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động từ tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, thăng tiến… lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động. Việc dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp độ này phải có tầm nhìn ít nhất 10 năm và điều chỉnh ít nhất là 5 năm/lần.

Duyen

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...