Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Thứ Sáu, 24/06/2022 08:59 AM (GMT+7)

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. SRB năm 2020 giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2020: 112,1 bé trai/100 bé gái)

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính thai nhi làm mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành vấn đề nóng bởi hậu quả và những hệ lụy khôn lường. Tuy nhiên, mục tiêu và giải pháp để giảm nhanh tỷ số giới tính khi sinh là không dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian và huy động nhiều nhân lực, chi phí lớn. Điều đó được xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm mất cân bằng giới tính khi sinh và những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi giải quyết vấn đề này.

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. SRB năm 2020 giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2020: 112,1 bé trai/100 bé gái). Đây là tỷ số vào loại cao trên thế giới quan sát được những năm gần đây: Trung Quốc: 120,6 (2008); Azerbaijan: 117,2 (2006), Armenia: 115,8 (2008); Ấn Độ: 110,6 (2004-2006).

Mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng ở Việt Nam

Mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng ở Việt Nam

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động trực tiếp, gián tiếp, bao gồm:

Tư tưởng nho giáo truyền thống, nối dõi tông đường,… đã làm cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt. Người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Quan niệm có con trai mới được xem là đã có con “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, không có con trai là tuyệt tự. Con thường mang họ của bố. Khi cha mẹ chết, con trai được đứng trước, con gái đứng sau, chỉ có cháu trai mới được bê bát hương ông, bà; con trai mới được vào nơi thờ tự, đóng góp giỗ tổ tiên,… Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức đa số các cá nhân, cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như: Áp dụng ngay từ trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn, …); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…); hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì để lại, nếu là thai gái thì phá thai bỏ đi.

Những nguyên nhân tác động gián tiếp nhưng mức tác động khá mạnh như: do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng phải có con trai nên đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; do nhu cầu kinh tế, điều kiện lao động thủ công làm nhiều công việc nặng nhọc trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ,... đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai và con trai là trụ cột về kinh tế là sự bảo đảm bình yên cho cả gia đình; do gần 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già và trách nhiệm phụng dưỡng chủ yếu thuộc về con trai…

Bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân về pháp luật chưa đồng bộ, chưa tạo cơ sở pháp lý cao nhất để quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, văn hóa nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Nếu xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam không được khống chế, nó sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu dân số hợp lý về giới tính và nhân khẩu học. Tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục cao trong các năm tiếp theo thì đến năm 2050 nước ta sẽ có khoảng  2,3 - 4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững [1].

Mất cân bằng nhân khẩu học này tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác sẽ tác động lâu dài đến cơ cấu tuổi và giới tính. Số lượng trẻ sơ sinh nam dư thừa sẽ dần chuyển thành trẻ em trai dư thừa và nam giới trưởng thành dư thừa. Một trong những hậu quả xã hội gây ra bởi mất cân bằng giới tính khi sinh được bàn thảo nhiều nhất là tác động của việc dư thừa nam thanh niên đối với hệ thống hôn nhân tại địa phương và hiện tượng gọi là “sức ép hôn nhân” (số lượng chú rể tương lai nhiều hơn cô dâu). Nhiều nam giới sẽ buộc phải trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ việc kết hôn do không kiếm được vợ.

Rõ ràng, những quan ngại về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là có cơ sở. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới cũng nhận định “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng”. Vì vậy, việc quy định trong Luật Dân số để giảm thiểu, hạn chế và xóa bỏ tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi ở Việt Nam là một vấn đề cấp thiết, cần phải được thực hiện đồng bộ, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Bộ Y tế đề xuất 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số, gồm: (1) Duy trì mức sinh thay thế; (2) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Phá thai an toàn; (4) Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; (5) Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; (6) Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với mục tiêu đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, một số luật hiện hành đã quy định một số biện pháp liên quan, tuy nhiên đây là vấn đề mang tính cấp thiết cần phải giải quyết bền vững [2], Luật Dân số quy định chính sách “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”.

Mục tiêu, nội dung chính sách, giải pháp thực hiện chính sách “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên” trong đề nghị xây dựng Luật Dân số như sau:

1. Mục tiêu của chính sách

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh để đến năm 2030 tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống [3], tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.

2. Nội dung chính sách

Quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

3. Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

a) Giải pháp thực hiện chính sách:

- Quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới dưới mọi hình thức; tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của từng cá nhân và cộng đồng về không lựa chọn giới tính thai nhi; đưa các nội dung về xóa bỏ phân biệt, định kiến giới, trọng nam hơn nữ, kỳ thị con gái hoặc con trai và các nội dung liên quan vào chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất.

Hoạt động ngoại khóa về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Quảng Ninh.

Hoạt động ngoại khóa về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Quảng Ninh.

- Quy định lồng ghép việc hỗ trợ nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xây dựng, thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. 

- Quy định trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Lý do lựa chọn giải pháp:

- Bảo đảm đạt được mục tiêu giảm nhanh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên.

- Giải quyết các nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, trong đó có nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên; đồng thời phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc.

- Tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi.

Sự ưa thích sinh con trai, quan niệm muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên trải qua hàng nghìn năm đã ăn sâu trong tiềm thức của đa số người dân nên phải thực hiện đồng bộ các biện pháp và kiên trì thực hiện trong thời gian dài mới phát huy tác dụng, đồng thời phải huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội tham gia.

Vũ Ngọc Chương

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....