'Họ nói chỉ cần có con trai kể cả thai nhi mắc bệnh'

Thứ Hai, 02/11/2020 08:06 PM (GMT+7)

PGS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từng gặp nhiều cặp vợ chồng tha thiết xin bác sĩ giúp họ có con trai.

Theo báo cáo về tình trạng dân số thế giới 2020 do quỹ dân số Liên Hợp Quốc công bố, mỗi năm, Việt Nam có 40.800 bé gái không được sinh ra do thực hành lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy việc thiếu hụt nam giới sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nam giới mà còn cả phụ nữ. Đó là việc nảy sinh vấn đề mua bán phụ nữ và trẻ em gái vì mục đích bóc lột tình dục, kết hôn sớm, bạo lực tình dục.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho hay tỷ lệ sinh sản tự nhiên khoảng 50/50. Khi chọn giới tính, chúng ta làm vỡ sự mất cân bằng này, về lâu dài ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội.

Nguyên nhân xuất phát từ quan niệm truyền thống trọng nam khinh nữ. Nhiều năm trong nghề, PGS Cường gặp nhiều cặp vợ chồng tha thiết xin bác sĩ giúp họ có con trai, đặc biệt khi ông làm công việc chọc hút ối để xét nghiệm dị dạng thai nhi.

“Khi tôi làm xét nghiệm ối cho một sản phụ khá lớn tuổi, kết quả cho thấy thai nhi có dị tật về nhiễm sắc thể gọi là hội chứng down. Trẻ sinh ra sẽ bị đần, có nguy cơ tàn phế về trí tuệ. Nhưng thai nhi có giới tính nam, họ quyết tâm đẻ. Họ nói chỉ cần có con trai kể cả thai nhi mắc bệnh”, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương kể.

PGS Trần Danh Cường cho biết nhiều người bị ám ảnh bởi những quan niệm về giới tính khi luôn xin bác sĩ tiết lộ giới tính của thai. Ảnh: Quỳnh Trang.

Hiện nay, sự sẵn có của các công nghệ hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi khiến tình trạng càng khó kiểm soát. Nhiều trung tâm vẫn làm các công việc lựa chọn giới tính thai nhi. Bác sĩ tiết lộ giới tính em bé dẫn tới tình trạng gia tăng nạo, phá thai do nhu cầu có con trai.

Theo PGS Cường, nếu vợ chồng cùng đồng thuận đình chỉ thai, đó là một biện pháp được phép. Tuy nhiên, nếu người mẹ buộc phải bỏ con vì thai nhi là gái sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề và có thể gặp biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách hạn chế hoặc cấm các cơ sở bên ngoài được nạo hút thai. Các bệnh viện chuyên khoa mới được phép thực hiện. Bởi bệnh viện sẽ có đầy đủ hồ sơ, lý do khi làm công tác chuyên môn này.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khó khăn nhất khi kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính không phải là vấn đề pháp luật. Dù có những hành lang pháp lý cụ thể, việc giám sát, đặc biệt trong hệ thống y tế tư nhân, phòng mạch rất khó. Rào cản lớn nhất là quan niệm khi người đi siêu âm luôn có nhu cầu biết giới tính thai nhi.

“Theo tôi việc thực hiện chính sách hay cam kết vẫn khó triệt để. Cốt yếu là xã hội chúng ta vẫn chưa xóa được quan niệm về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Đây là điều quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc lựa chọn giới tính thai nhi”, PGS Cường phân tích.

Hà Quyên

Thế Thành

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...