Kinh nguyệt vón cục: Những điều cần biết

Chủ Nhật, 23/10/2022 03:03 PM (GMT+7)

Ra máu đông trong những ngày hành kinh là hiện tượng nhiều bạn gái gặp phải nhưng nguyên nhân gây ra nó lại không giống nhau ở tất cả mọi người. Kinh nguyệt vón cục đa số là bình thường nhưng đôi lúc cũng là biểu hiện của một số bệnh lý.

Tình trạng máu kinh vón cục

Máu kinh vón cục thường xuất hiện trong những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, đây là hiện tượng hết sức bình thường. Kinh nguyệt xảy ra khi các lớp niêm mạc tử cung bị bong tróc làm thay đổi dòng chảy kinh. Do đó, sẽ có những ngày kinh nguyệt máu sẽ rất nhiều, có ngày lại ngược lại.

Trong những ngày hành kinh, cơ thể sẽ tạo ra nhiều chất chống đông cần thiết giúp ngăn ngừa máu đóng cục. Tuy nhiên, lượng máu chảy ra quá nhiều khiến các chất này không có đủ thời gian để làm việc dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra máu đông.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu bất thường dưới đây, cần phải có những xem xét đến gặp bác sĩ:

- Kỳ kinh của bạn kéo dài từ 8–10 ngày mỗi tháng.

- Chu kỳ đèn đỏ gây khó khăn cho bạn trong cuộc sống hàng ngày, như đi làm hay tham gia các hoạt động xã hội.

- Bạn bị xanh xao do thiếu máu.

- Thường xuyên xuất hiện tình trạng máu kinh vón cục ra nhiều.

- Bạn thường hay ra máu âm đạo dù kỳ kinh chưa đến.

Nguyên nhân khiến máu kinh vón cục

Cục máu trong kỳ kinh thường xuất hiện trong những ngày đầu chu kỳ. Theo các chuyên gia, kinh nguyệt ra máu cục là hiện tượng hết sức bình thường. Dòng chảy kinh thay đổi theo từng ngày, phụ thuộc vào quá trình bong tróc của lớp niêm mạc tử cung. Nguyên nhân khiến máu kinh vón cục là do quá trình đông máu. Trong những ngày đèn đỏ, cơ thể sẽ tạo ra chất chống đông, ngăn ngừa máu đóng cục. Tuy nhiên, do lượng máu quá nhiều nên các chất này không có đủ thời gian để làm việc, hình thành cục máu đông khiến kinh nguyệt ra máu đông.  

Thông thường, tình trạng kinh nguyệt ra máu đông không có gì nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn đang trong những ngày đầu của kỳ kinh. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều cục máu đông kích thước lớn thì có thể bạn đang bị chảy máu kinh nguyệt nặng. Bên cạnh đó, cũng cần dựa trên những biểu hiện bất thường bên trên đã nêu để xem xét, có thể bạn đang có những bệnh sau:

kinh-nguyet-ra-nhieu-cuc-mau-dong3

- Bị tắc nghẽn tử cung: Khi thành tử cung bị áp lực vì một yếu tố nào đó sẽ khiến cho lượng máu kinh chảy ra nhiều hơn và xuất hiện cục máu đông. Cũng chính những áp lực này có thể cản trở khả năng co bóp tử cung nên nó co bóp không đúng cách và khiến cho máu chảy ra rồi bị đông lại trong khoang tử cung. Nguyên nhân khiến tử cung bị tắc nghẽn chủ yếu là: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, bệnh Adenomyosis, Polyp buồng tử cung,...

- Bệnh lý Von Willebrand: Bệnh lý này hiếm gặp, chiếm từ 5 đến 24% phụ nữ bị chảy máu kinh nguyệt nhiều mãn tính. Bệnh lý Von Willebrand có thể là nguyên nhân dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt dày đặc. Bên cạnh đó, bạn dễ chảy máu sau khi đứt tay hay chảy máu chân răng. Trong trường hợp này, bạn cần đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

- Mất cân bằng hormon: Sự cân bằng nội tiết tố progesterone và estrogen chính là những yếu tố giúp cho niêm mạc tử cung phát triển và dày lên đúng cách. Khi một trong hai yếu tố này quá ít hoặc quá nhiều sẽ dễ làm cho máu kinh chảy nặng hơn. Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố thường do: mãn kinh, tiền mãn kinh, giảm hoặc tăng cân quá nhiều,... Tình trạng này làm xuất hiện triệu chứng chính là kinh nguyệt không đều và máu kinh dễ bị vón cục.

- Sảy thai: Có nhiều nguyên nhân khiến cho phụ nữ bị sảy thai, thậm chí có những trường hợp bị sảy thai trước khi người phụ nữ biết là mình có thai. Nếu sảy thai diễn ra sớm rất dễ gây chảy máu nặng, bụng bị đau và có cục máu đông chảy ra ngoài âm đạo.

- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là bệnh lý phụ khoa mạn tính, phức tạp, dễ tái phát, trong đó có sự hiện diện của mô giống mô tuyến ở nội mạc tử cung và mô đệm tùy hành nằm ngoài buồng tử cung. Sự hiện diện mô lạc chỗ này thúc đẩy sự hình thành các phản ứng viêm mãn tính và là bệnh lý phụ thuộc estrogen. Khi vào chu kỳ kinh nguyệt, bệnh lý này gây các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, khó chịu khi quan hệ tình dục, đau vùng xương chậu. Bên cạnh đó, lượng máu kinh bất thường, có hay không có kèm cục máu đông cũng là một biểu hiện điển hình.

Cách chữa kinh nguyệt vón cục

Kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt ra máu kinh nhiều là cách tốt nhất để điều trị được kinh nguyệt vón cục. Tùy theo nguyên nhân bác sĩ lựa chọn những cách chữa kinh nguyệt vón cục khác nhau.

- Các loại thuốc bổ máu: Kinh nguyệt ra các cục máu đông lớn là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy 63,4% phụ nữ bị rong kinh cũng bị thiếu máu. Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt, chóng mặt và choáng váng. Để điều trị tình trạng này, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc sắt viên. Bổ sung sắt sẽ không làm cho kinh nguyệt của bạn cải thiện hơn. Tuy nhiên, nó có thể khắc phục các biến chứng thiếu máu.

- Thuốc và các phương pháp tránh thai nội tiết: Thuốc tránh thai nội tiết là cách chữa kinh nguyệt vón cục hiệu quả. Bởi vì nó có thể ức chế sự phát triển của niêm mạc tử cung. Các loại thuốc tránh thai có thể giúp bạn điều hòa lại kinh nguyệt tốt hơn

- Dụng cụ tử cung giải phóng progestin (IUD) có thể làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt đến 90%. Và thuốc tránh thai có thể làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt xuống 50%. Thuốc tránh thai nội tiết cũng có thể có lợi trong việc làm chậm sự phát triển của u xơ và các chất dính tử cung khác.

- Các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) có hiệu quả rất tốt để cải thiện triệu chứng. Các nghiên cứu cho rằng, thuốc này có không những làm giảm đau mà còn giảm lượng máu kinh lên đến 49%.

kinh-nguyet-khong-deu-von-cuc

- Các loại thuốc chống tiêu sợi huyết: Thuốc chống tiêu sợi huyết như Lysteda (axit tranexamic) hoặc Amicar (axit aminocaproic) có thể giúp giảm chảy máu. Lysteda có thể làm giảm lưu lượng kinh nguyệt của bạn lên đến 58%. Chức năng cụ thể của thuốc chống tiêu sợi huyết là làm chậm quá trình tiêu sợi huyết – một thuật ngữ chỉ quá trình phá vỡ cục máu đông. Vì vậy, các loại thuốc này cũng được sử dụng như một cách chữa kinh nguyệt vón cục.

- Các phương pháp phẫu thuật: Bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật nếu thuốc không có tác dụng hoặc bạn bị một chống chỉ định nào đó. Bên cạnh đó, phẫu thuật được dùng trong điều trị tận gốc một số nguyên nhân gây ra kinh nguyệt vón cục. Các loại phẫu thuật bao gồm: Phẫu thuật nội soi tử cung;  Phẫu thuật nội soi ổ bụng; Cắt bỏ tử cung.

Tuy nhiên, để đưa ra bất kì kết luận nào, bạn tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có những tư vấn chính xác. Để tìm ra nguyên nhân hình thành cục máu đông trong kỳ kinh bác sĩ có thể sẽ:

- Hỏi về những yếu tố dễ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh như: dùng biện pháp tránh thai, phẫu thuật vùng chậu,...

- Kiểm tra tử cung của bệnh nhân.

- Xét nghiệm máu tìm sự mất cân bằng nội tiết tố.

- Chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm, chụp MRI khi thấy cần thiết để kiểm tra u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư tử cung hay tìm xem có yếu tố nào khác làm cản trở quá trình co bóp của tử cung.

 Với những kết quả xét nghiệm đầy đủ, bạn mới có thể thực hiện liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....