Mất cân bằng giới tính: Diễn biến phức tạp

Thứ Hai, 12/10/2020 12:08 PM (GMT+7)

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn so với một số nước châu Á.

Việt Nam chính thức mất cân bằng giới tính khi sinh từ năm 2006; tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109,8 và luôn ở ngưỡng trên 111 bé trai/100 bé gái. Riêng năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh có giảm nhẹ xuống 110,5/100 và có sự tăng giảm không ổn định. Cụ thể, năm 2010, tỷ lệ này là 111,2 bé trai/100 bé gái;  năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Ông Phạm Vũ Hoàng cho biết, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta diễn biến khá phức tạp và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng miền trong cả nước.

Cụ thể, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ này ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. Xét ở phạm vi vùng kinh tế-xã hội, năm 2019, chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ số giới tính khi sinh ở ngưỡng an toàn (106,9 bé trai/100 bé gái) nhưng cũng đang gần tiệm cận với mức mất cân bằng trên 107. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt Đồng bằng sông Hồng có tỷ số chênh lệch rất cao là 115,5 bé trai/100 bé gái...

Theo số liệu thống kê tỷ số giới tính khi sinh giai đoạn 2010-2014 của Tổng cục Thống kê, mức độ mất cân bằng giới tính còn được chứng minh xảy ra nhiều hơn ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất (110/100), không tăng đối với những ca sinh ở lần sinh thứ 2 và tăng cao ở lần sinh thứ 3 trở lên (119/100).

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho rằng, nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Nhiều gia đình ở Việt Nam còn mang nặng tư tưởng phải sinh được con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, tăng cường sức lao động và làm chỗ dựa cho cha mẹ khi về già... Tư tưởng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ đã hiện hữu trong suy nghĩ, thực hành của người dân Việt Nam từ hàng nghìn năm nay.

Bên cạnh đó, có thêm nhiều yếu tố tác động làm cho vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn như: Lạm dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính khi sinh; quy mô gia đình nhỏ buộc các gia đình phải lựa chọn có ít nhất một con trai; nhu cầu phát triển ở một số vùng đòi hỏi nhiều lao động nam.

Thêm vào đó, chế độ an sinh xã hội cho người dân chưa đảm bảo, tỷ lệ người dân có lương hưu, đặc biệt ở nông thôn khi về già là rất thấp nên cần sự chăm sóc của con cái. Theo quan niệm truyền thống, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già thuộc về người con trai trong gia đình...

Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến việc mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra (theo Báo cáo Dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện). Con số này được tính dựa trên sự khác biệt giữa số ước tính trẻ em gái phải được sinh ra theo quy luật tự nhiên và số trẻ em gái thực tế được sinh ra trong một năm, bà Hà Thị Quỳnh Anh thông tin.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...