Mất cân bằng giới tính khi sinh: 4,3 triệu đàn ông Việt ế vợ

Thứ Sáu, 11/10/2019 09:41 AM (GMT+7)

Chính lối suy nghĩ còn nhiều lạc hậu của các gia đình, thích con trai hơn con gái, và tìm mọi cách để có thể sinh con trai đã khiến cho dân số cả nước đang dần có sự chênh lệch rõ rệt.

e-vo

Áp lực sinh con trai 

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 - 106 bé trai.

Trước đây, nói chung hằng năm, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra, chính thức được xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Và từ đó, con số này cứ tăng dần, đến năm 2016 đã là 112,8 bé trai, thậm chí ở Đồng bằng sông Hồng, con số này lên đến 118.

Trước hết, cần nhận thấy rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán tạo nên khát vọng phải có con trai. Điều này gây ra áp lực không chỉ đối với mỗi đôi vợ chồng mà còn là áp lực với cả gia đình, dòng họ. Mặt khác, do đặc trưng là sản xuất nông nghiệp nặng nhọc thì sự vượt trội về cơ bắp của con trai trở thành một ưu điểm khi cày cấy, chăm bón và thu hoạch. Năng suất khu vực nông nghiệp thấp cho nên cha mẹ thường không có tiết kiệm dành cho tuổi già; hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển cho nên khi hết khả năng lao động, cuộc sống chủ yếu phải dựa vào con, nhất là con trai.

Bối cảnh nêu trên dẫn tới nảy sinh tâm lý cần có con trai giúp đỡ trong lao động, sinh hoạt và an sinh cho tuổi già. Đây chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến MCBGTKS. Nhu cầu có con trai có từ xa xưa, nhưng chỉ đến ngày nay, việc lạm dụng những thành tựu của khoa học và kỹ thuật cho phép con người chủ động trong sinh sản cũng là nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS.

Có ý kiến cho rằng, trước đây sinh nhiều con cho nên vừa đáp ứng được nhu cầu có con trai, vừa cân bằng giới tính một cách tự nhiên. Nay chỉ sinh “một hoặc hai con” cho nên khả năng có được con trai giảm đi, vậy nên phải chủ động lựa chọn giới tính thai nhi. Không phải ngẫu nhiên, việc xuất hiện MCBGTKS ở nước ta diễn ra khi mức sinh thấp. Trong khi tại các nước châu Âu, các nước phát triển, tỷ lệ sinh đẻ ít nhưng không có tình trạng này.

Hệ lụy thấy trước trong tương lai

Nhìn sang các nước khác trong khu vực, tỷ lệ mất cân bằng giới tính quá cao trong nhiều năm qua đã khiến Ấn Độ và Trung Quốc thiếu trầm trọng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều này đã tạo ra những căng thẳng rất lớn trong xã hội tại quốc gia này, dẫn đến tình trạng một số lượng lớn nam giới không thể lấy vợ hoặc có bạn tình. Vấn đề cũng xảy ra ở Hàn Quốc và Đài Loan, khiến cho nam giới ở các nước này buộc phải tìm vợ ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng “xuất khẩu” cô dâu Việt là một trong những hệ luỵ trực tiếp của hiện tượng thiếu phụ nữ mà nguyên nhân chính là do tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Tình trạng này sẽ phức tạp hơn trong 20 năm nữa nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ. Theo thống kê, các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia…cũng không dư phụ nữ để cho chúng ta “nhập khẩu” về làm cô dâu, nếu may mắn thì đàn ông Việt Nam có thể sang các nước châu Phi để tìm bạn đời.

Bình luận về vấn đề này, GS Phạm Gia Khải, thành viên Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương lo lắng: Chỉ hơn một thập kỷ nữa là Việt Nam sẽ không còn là một nước có "dân số vàng" nữa. Sự đầu tư một cách khoa học cho tương lai, khi cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư phát triển, ngay cả dân số vàng mà chúng ta cũng không còn nữa, sẽ không biết xoay xở ra sao trước thế giới?

Tuy nhiên, đại diện của ngành dân số cho rằng, khi nới lỏng chính sách sinh con, từng bước sửa đổi các quy định về mức sinh, cùng với các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội... thì động lực lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm dần.

Nếu vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không được giải quyết, Việt Nam sẽ đi vào vết xe đổ của Trung Quốc hiện nay. Mức sinh thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh có thể đưa đến những hệ luỵ lớn trong xã hội. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới như nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ gia tăng./.

Duyen

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...