Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao ở khu vực nông thôn: Những giải pháp khắc phục

Thứ Bảy, 19/01/2019 01:50 PM (GMT+7)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, vẫn có 45 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng, nhất là khu vực nông thôn.

Empty

Một thực trạng đáng lo khác, trong khi khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh (GTKS) ở lần sinh đầu thì ở khu vực nông thôn việc lựa chọn giới tính xuất hiện ở lần sinh thứ hai trở đi và thường rất cao cho đến lần sinh thứ ba.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, sau một năm triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, vẫn có 45 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS tăng. Cụ thể, ở những nơi này, tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn nhiều so với số bé gái, có khi tới 148,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Đáng nói là 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số mất cân bằng GTKS năm sau cao hơn năm trước. Xu hướng này diễn ra không giống nhau tại các vùng trên cả nước. Tại khu vực thành thị, tỷ số GTKS giảm, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng.

Empty

Tại Đăk Lăk, tình trạng mất cân bằng giới tính xảy ra ở hầu hết các địa phương, tập trung nhiều ở TP Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Buk, Cư M'gar, Buôn Đôn. Đơn cử như huyện Cư M'gar, tỷ lệ chênh lệch là rất cao với 121 bé trai/100 bé gái, đặc biệt, tại một số xã, sự chênh lệch đã lên mức báo động như Ea H'đing (262 bé trai/100 bé gái); Ea Kiết (190 bé trai/100 bé gái), Ea Đrơng (177 bé trai/100 bé gái), Quảng Hiệp (165 bé trai/100 bé gái), Cư Suê (163 bé trai/100 bé gái)…

Tư tưởng trọng nam hơn nữ, ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng này. Việt Nam là một quốc gia châu Á, tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị của Nho giáo là mô hình gia đình truyền thống, việc phải có con trai nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là những giá trị nền tảng, làm cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Hơn nữa, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, cộng thêm tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Không phải ngẫu nhiên, việc xuất hiện mất cân bằng GTKS ở nước ta diễn ra khi mức sinh thấp. Trong khi tại các nước châu Âu, các nước phát triển, tỷ lệ sinh đẻ ít nhưng không có tình trạng này.

Để mong có được con trai nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động về chế độ ăn uống, chọn phương pháp thụ tinh; sau khi đã có thai thì sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối để lựa chọn giới tính thai nhi. Như vậy, cũng có thể nói việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Một viễn cảnh nhãn tiền là dư thừa hàng triệu nam giới không tìm được phụ nữ để kết hôn trong vài chục năm tới. Vì vậy, rất cần nỗ lực tham gia hiệu quả hơn từ phía các cơ quan quản lý, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng.

 Do vậy, để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, không chỉ cần nỗ lực tuyên truyền bằng những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh mà quan trọng còn là đẩy mạnh thực thi và giám sát thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt là chú trọng địa phương có tỷ số giới tính cao và chú trọng hơn đến đối tượng vận động là nam giới và người cao tuổi. Hơn hết là cần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để có những giải pháp thiết thực trong việc giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh tạo ra sự cân bằng trong xã hội cũng như là vì sự phát triển bền vững.

Vấn đề này được Đảng và Nhà nước chỉ đạo cụ thể trong Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện khác.

Vu ngoc chuong

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...