Một số cột mốc cần chú ý khi thực hiện việc cho trẻ ăn dặm

Thứ Năm, 25/04/2019 12:26 PM (GMT+7)

Thực tế có rất nhiều bậc cha mẹ lúng túng về cách cho trẻ ăn dặm như thế nào là đúng cách, làm thế nào để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ?

cho-tre-an-dam

Theo ThS. BS. Doãn Thị Tường Vi - Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, từ 6 tháng tuổi trẻ có thể bắt đầu ăn dặm. Khi đó, cách cho trẻ ăn dặm đầy đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng trong việc phát triển thể chất và trí tuệ.

Thực tế có rất nhiều bậc cha mẹ lúng túng về cách cho trẻ ăn dặm như thế nào là đúng cách, làm thế nào để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ?

Hãy cùng tham khảo những thông tin của chuyên gia chia sẻ dưới đây để có kế hoạch cho trẻ ăn dặm khoa học đúng cách nhất để tốt cho sự phát triển của con sau này.

Thời điểm quyết định cho trẻ ăn dặm

- Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sẽ được tập cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thu những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ, trẻ thật sự cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa.

- Từ khuyến cáo trên, những chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24. Từ tháng thứ 6 trở đi sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450 kcal/ngày trong khi đó trẻ cần tới 700 kcal/ngày cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản và sự phát triển của cơ thể.

Những biểu hiện nhận biết trẻ đã “sẵn sàng” cho việc ăn dặm

Giai đoạn 6 tháng tuổi là cột mốc quan trọng, giúp trẻ dần làm quen với những “thức ăn mới lạ”. Tuy nhiên để xác định xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, phụ huynh cần dựa vào những biểu hiện sau đây của trẻ:

- Cân nặng của trẻ đã tăng gấp đôi so với cân nặng khi sinh.

- Trẻ đã biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để mẹ có thể đút thức ăn dễ dàng cho trẻ.

- Trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa/muỗng khi cho trẻ ăn.

- Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ chọn lựa món ăn thích hợp đối với khẩu vị của từng trẻ.

- Lưỡi trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (lúc trẻ còn nhỏ khi cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ cũng đẩy ra, trừ núm vú).

- Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà gia đình hay cha mẹ cho ăn.

Cho trẻ ăn dặm ngày mấy bữa?

Cách cho trẻ ăn dặm đúng là mẹ nên tập cho bé ăn từ ít đến nhiều. Lúc đầu 1 bữa, sau tăng thành 2 bữa. Nếu tự nấu thức ăn cho bé, cần cân đo kỹ lưỡng khẩu phần đạm cho phù hợp với lứa tuổi.

Cho trẻ ăn dặm bột gì?

Tốt nhất nấu bột hoặc cháo xay. Thời kỳ ăn dặm các mẹ có thể nấu bột hoặc cháo nấu với trứng, hoặc thịt bò, thịt lợn… hay có thể kết hợp với cách nấu cháo trứng gà bí đỏ, cà chua, củ rền, hạt sen, nấm hương… Như vậy sẽ tạo được cảm giác thích thú khi cho bé ăn.

Nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm đúng cách theo khoa học

Theo kinh nghiệm được đúc kết từ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, việc cho trẻ ăn dặm cần chú ý những nguyên tắc sau:

- Cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc giống với sữa công thức để bé quen dần với “những thức ăn mới lạ”, giúp trẻ dần thích nghi với việc ăn dặm và việc ăn uống của trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt – mặn” khi bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm, thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi tập cho trẻ ăn dặm vì mùi vị “tương tự” với sữa mẹ, trẻ được cho ăn dặm bằng bột ngọt trước rồi sẽ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.

- Nguyên tắc “ít – nhiều” để luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1 – 2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén… sẽ đảm bảo sự tiêu hóa và cung cấp đầy đủ năng lượng – dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.

- Nguyên tắc “loãng – đặc” cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của trẻ luôn được “suôn sẻ”, đây là nguyên tắc giúp trẻ không bị “phản ứng” khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể bắt nhịp kịp với quá trình tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn.

- Nguyên tắc “tô màu chén bột” nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt. Nhóm bột đường bao gồm gạo, bột mỳ, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai… Nhóm đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu/đỗ khác… Nhóm chất béo bao gồm dầu, mỡ, bơ, pho mát và các loại hạt có dầu. Nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm rau củ và các loại trái cây tươi. Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người mẹ không nên cho thêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ, vì hai quả thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi nêm mắm, muối vào thức ăn sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

- Nguyên tắc “không ép trẻ ăn” khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5 – 7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.

Một số cột mốc cần chú ý khi thực hiện việc cho trẻ ăn dặm

- Giai đoạn ăn bột: bắt đầu từ lúc 6 tháng tuổi trở đi, cha mẹ có thể cho trẻ tập quen dần với các loại bột dinh dưỡng. Trong giai đoạn này, có thể mua bột dinh dưỡng đóng hộp của những hãng sản xuất sản phẩm dinh dưỡng có uy tín, vì loại bột này có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Nếu là loại bột tự chế biến cho trẻ ăn, cần đảm bảo hợp vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng, tuy nhiên nên lưu ý những thức ăn có thể làm cho trẻ bị dị ứng.

- Giai đoạn ăn cháo: khi trẻ được 9 – 10 tháng tuổi đã ăn được kha khá, cha mẹ có thể nấu cháo cho trẻ ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà trẻ cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Nên hầm riêng một nồi cháo nhừ. Mỗi bữa ăn của trẻ, nên múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín từng bữa, thêm dầu ăn cho đủ dưỡng chất.

- Giai đoạn ăn cơm: khi trẻ đã có đủ răng (tổng cộng 20 cái), trẻ mới có thể nhai cơm thật kỹ. Cha mẹ nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà-rốt, khoai tây, súp-lơ, su hào), nên chú ý cắt ngắn rau cho trẻ dễ nhai để trẻ không bị hóc cọng rau.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....