Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10: Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm thiểu mất cân bằng giới tính

Thứ Hai, 12/10/2020 12:09 PM (GMT+7)

“Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” là chủ đề ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2020. Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới.

Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng đầu đời mà cả khi lớn lên.

ngay-quoc-te-tre-em-gai-1110-thuc-day-binh-dang-gioi-de-giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-53-.5221

Ảnh minh họa.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nguyên nhân chính vẫn là định kiến giới, tâm lý thích con trai hơn con gái vẫn tồn tại trong mỗi cá nhân, vợ chồng, gia đình và dòng họ ở Việt Nam.

Theo Báo cáo Dân số thế giới năm 2020, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra. Vấn đề thứ hai là khi lớn lên các em gái phải đối mặt với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hoặc bạo lực với trẻ em cao. Tháng 7/2020, UNFPA đã công bố Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam được thực hiện bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê. Báo cáo này cho thấy, 4,4% trẻ em tại Việt Nam đã bị xâm hại tình dục trước năm 15 tuổi. Ngoài ra, trẻ em gái cũng phải đối mặt với tình trạng kết hôn sớm. Hiện nay, ở Việt Nam tỉ lệ kết hôn sớm chiếm khá cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là bất bình đẳng giới. Vấn đề nữa là trẻ em gái ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn nạn mua bán trẻ em gái và phụ nữ vì mục đích bóc lột lao động và tình dục. Những vấn đề trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em gái.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em gái bị xâm hại hoặc bạo lực tình dục có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như: Sức khỏe sinh sản, tình dục, mang thai sớm, sức khỏe tâm thần... Bà Hà Thị Quỳnh Anh cho rằng, hiện nay có nhiều gia đình vẫn đang mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Việc thay đổi quan niệm này không dễ dàng và diễn ra một sớm một chiều, nó đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

"Có nhiều can thiệp đã được những cơ quan Chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nên tập trung nhiều, nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông thay đổi quan niệm xã hội về bình đẳng giới. Đặc biệt là tập trung cho giới trẻ. Điều này rất có ý nghĩa vì theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019, thái độ và hành vi về bình đẳng giới của phụ nữ trong điều tra này và điều tra tương tự thực hiện năm 2010 chỉ có sự thay đổi đáng kể ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi hơn", bà Quỳnh Anh cho biết.

Ngoài những vấn đề trên, theo bà Quỳnh Anh, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, xóa bỏ các định kiến giới và xây dựng các chuẩn mực mới về giới; xây dựng những chuẩn mực về giới mới ở trong gia đình như con cái sinh ra có thể mang họ mẹ; con gái hoặc phụ nữ trong gia đình có thể thờ cúng tổ tiên, có thể đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mẹ, người thân khi qua đời. Ngoài ra, tăng cường vị thế trong gia đình và xã hội của phụ nữ thông qua thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong các hoạt động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái...

Bà Quỳnh Anh cũng đưa ra những đề xuất để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em gái trong các lĩnh vực giáo dục, sức khỏe, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn người, xâm hại tình dục. Đó là phải đưa những nội dung giáo dục về giới, bình đẳng giới và giới tính vào trong trường học. Phải đảm bảo có dịch vụ y tế nhạy cảm giới để có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ y tế với các nạn nhân bị xâm hại, quấy rối hoặc bạo lực tình dục.

Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho trẻ em gái có nguy cơ hoặc bị xâm hại, bạo lực tình dục cũng rất quan trọng. Tương tự, các dịch vụ để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em gái là nạn nhân của xâm hại, bạo lực tình dục, mua bán người... cũng cần đảm bảo có tính nhạy cảm giới và cung cấp dịch vụ đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. 

https://phunuvietnam.vn

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...