Phòng tránh viêm buồng trứng từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày

Thứ Sáu, 05/08/2022 10:06 PM (GMT+7)

Bệnh viêm buồng trứng không phổ biến nhưng rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em. Mặc dù vậy, chỉ cần điều chỉnh những thói quen đơn giản hàng ngày, bạn cũng có thể phòng tránh hiệu quả căn bệnh này.

Buồng trứng có chức năng tạo trứng. Khi trứng trưởng thành, trứng sẽ rời khỏi buồng trứng hay còn gọi là sự rụng trứng và sẵn sàng thụ tinh. Buồng trứng còn có một chức năng quan trọng khác là tổng hợp các loại hormone như estrogen và progesterone.

viem-buong-trung2

Viêm buồng trứng không chỉ gây đau đớn, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em. Ảnh minh họa.

Dấu hiệu viêm buồng trứng

Khi xảy ra tình trạng viêm buồng trứng, người bệnh sẽ có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:

- Đau vùng bụng dưới: Mức độ đau ở mỗi trường hợp bệnh nhân có thể khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Khi quan hệ tình dục, cơn đau sẽ tăng lên.

- Xuất huyết âm đạo bất thường.

- Rong kinh.

- Đau khi đi tiểu.

- Âm đạo tiết dịch màu vàng, xanh, cùng với mùi hôi khó chịu.

- Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc phải một số triệu chứng toàn thân như buồn nôn, sốt, mệt mỏi, hoa mắt, choáng váng,…

Tuy nhiên, những biểu hiện trên dễ gây nhầm lẫn với những căn bệnh phụ khoa khác. Chính vì thế, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh. Càng phát hiện sớm thì việc điều trị càng dễ dàng và hiệu quả điều trị càng cao.

Ngược lại, những trường hợp điều trị muộn hoặc điều trị không triệt để sẽ có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng như dính sau viêm, xoắn buồng trứng, áp xe buồng trứng, tắc ống dẫn trứng gây mang thai ngoài tử cung và nguy cơ vô sinh.

Những người dễ bị viêm buồng trứng

Vi khuẩn chính là tác nhân gây ra bệnh viêm buồng trứng. Môi trường âm đạo ở nữ giới có chứa nhiều vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây bệnh. Các loại vi khuẩn này sẽ được duy trì sự cân bằng trong môi trường pH âm đạo. Tuy nhiên, khi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện sinh sôi, phát triển chúng có thể xâm nhập và gây bệnh.

Dưới đây là những phụ nữ có nguy cơ cao bị viêm buồng trứng:

- Các trường hợp đặt vòng tránh thai hoặc thực hiện tiểu phẫu phụ khoa nhưng không đảm bảo dẫn tới tình trạng viêm nhiễm các cơ quan sinh sản, trong đó bao gồm buồng trứng.

- Nạo hút thai hoặc chữa trị các bệnh lý phụ khoa tại những đơn vị y tế kém chất lượng, không đảm bảo khử khuẩn đối với dụng cụ y tế cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.

- Trường hợp quan hệ thiếu lành mạnh, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục khi đang “đến tháng” hoặc không giữ gìn vệ sinh vùng kín,… cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, trong đó bao gồm viêm buồng trứng.

- Phụ nữ đã từng sinh con, đã từng phá thai,… nhưng không giữ gìn vệ sinh vùng kín cẩn thận cũng có nguy cơ cao bị viêm buồng trứng, viêm vùng chậu,…

- Khi tử cung, ống dẫn trứng bị viêm thì nguy cơ dẫn tới viêm buồng trứng, viêm vùng chậu là rất cao.

Để chẩn đoán viêm buồng trứng, các bác sĩ cần thăm khám, kiểm tra phần phụ, siêu âm và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để tìm loại vi khuẩn gây bệnh. Đối tác của người bệnh cũng nên đi thăm khám và cùng điều trị nếu bị viêm nhiễm vùng kín. Đây là yếu tố quan trọng để giúp chị em phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai.

Phòng tránh viêm buồng trứng bằng những phương pháp đơn giản

Viêm buồng trứng là bệnh lý nguy hiểm gây biến chứng ảnh hưởng đến cơ hội làm mẹ của nữ giới. Chính vì thế, chị em nên chú trọng đến việc phòng bệnh. Dưới đây là một số phương pháp đơn giản mà hiệu quả có thể giúp bạn ngăn ngừa căn bệnh này:

- Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách, không thụt rửa, không lạm dụng dung dịch có tính tẩy rửa mạnh. Đặc biệt lưu ý vệ sinh vùng kín trong những ngày kinh nguyệt và sau khi quan hệ.

- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su, không quan hệ quá sớm, không quan hệ với nhiều bạn tình,…

- Phụ nữ không nên lạm dụng thuốc tránh thai.

- Nên có chế độ ăn uống và vận động khoa học, hợp lý để tăng cường sức đề kháng.

- Khám phụ khoa định kỳ hoặc đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....