Phụ nữ mang thai cần làm gì khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung

Thứ Ba, 16/08/2022 07:32 PM (GMT+7)

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang bầu thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa của thai kỳ) hoặc tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối của thai kỳ) và thường giảm hoặc hết sau sinh từ 3 – 6 tháng.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là tình trạng các tế bào tuyến trong cổ tử cung phát triển lấn ra bên ngoài, vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung. Vì vậy thai phụ thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, khí hư có mùi khó chịu, ngứa…dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Empty

Hình ảnh viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Ngoài ra, bệnh thường gặp ở phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở hoặc sử dụng thuốc uống ngừa thai kéo dài. Tuy nhiên, một vài trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung là bẩm sinh. Khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu kém, cộng với sự thay đổi lớn về nội tiết tố khiến mẹ bầu có lộ tuyến cổ tử cung và dễ bị viêm bội nhiễm hơn.

Nguy hiểm hơn, viêm bội nhiễm nặng khi đang mang thai không được điều trị có thể tăng nguy cơ xuất huyết âm đạo, viêm màng ối, ối vỡ non…Chính vì thế, bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu cần để ý những dấu hiệu bất thường trong cơ thể và vùng kín để có thể thăm khám sớm, chẩn đoán chính xác tình trạng và điều trị thích hợp.

Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai

Giống như lộ tuyến ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, lộ tuyến cổ tử cung ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thường không có triệu chứng. Trong các trường hợp có triệu chứng mẹ bầu có thể có các biểu hiện sau đây:

- Tiết dịch âm đạo là dấu hiệu phổ biến nhất, dịch âm đạo có thể có màu trắng hoặc vàng có thể có mùi hôi khó chịu, ngứa vùng kín

- Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục

- Đó là một trong những nguyên nhân gây chảy máu âm đạo khi mang thai, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ: máu chảy ra thường có màu đỏ tươi và lượng ít.

- Khí hư ra nhiều và có màu sắc bất thường là một trong những triệu chứng đầu tiên của viêm lộ tuyến cổ tử cung

Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung trong thai kỳ

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị lộ tuyến cổ tử cung là do ảnh hưởng của nội tiết tố hoặc yếu tố bẩm sinh.

Các yếu tố làm lộ tuyến cổ tử cung dễ bị viêm bội nhiễm:

Vệ sinh: Khi mang thai, dịch âm đạo sẽ tiết ra nhiều hơn khiến vùng kín mẹ bầu thường xuyên bị ẩm ướt. Nếu mẹ bầu không vệ sinh sạch sẽ và đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại dễ phát triển.

Ngoài ra, mẹ bầu mặc quần lót bó sát, không thông thoáng; hoặc thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ không phù hợp, lạm dụng có thể khiến độ cân bằng pH ở âm đạo thay đổi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển gây bệnh.

Quan hệ tình dục không an toàn: Tâm lý chủ quan khi quan hệ tình dục trong thai kỳ khiến chị em bỏ qua các biện pháp bảo vệ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung.

Việc quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như lậu, giang mai, sùi mào gà, nguy hiểm hơn là HIV/AIDS.

Mắc các căn bệnh phụ khoa khác: Trước khi mang thai, nếu người phụ nữ bị viêm lộ tuyến nặng mà không điều trị hiệu quả có nguy cơ bị tái phát lại khi đang mang thai. Do đó, nếu có tiền sử bị viêm lộ tuyến cổ tử cung trước đó, chị em cần điều trị ổn định trước khi lên kế hoạch có em bé. Tham khảo ý kiến bác sĩ Sản Phụ khoa để được tư vấn và hướng dẫn cách điều trị, cũng như có sự chuẩn bị tốt cho hành trình mang thai sắp tới.

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung có nguy hiểm không?

Lộ tuyến cổ tử cung thường lành tính, không cần điều trị. Tuy nhiên, Nếu mẹ bầu bị viêm cổ tử cung trong thời gian mang thai mà không được điều trị hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ chảy máu âm đạo, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ, viêm nhiễm nặng làm tăng nguy cơ viêm màng ối, ối vỡ non,…

Chính vì thế, mẹ bầu cần khám thai theo lịch hẹn và điều trị viêm thích hợp nếu có tình trạng viêm âm đạo, cổ tử cung trong thai kỳ để tránh các tác động bất lợi cho mẹ và thai.

Mẹ bầu cần làm gì khi được chẩn đoán mắc bệnh?

Khi được chẩn đoán mắc bệnh, hầu hết mẹ bầu đều lo lắng viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai có điều trị được không, nếu có thì phương pháp đó có ảnh hưởng đến thai nhi không…

Bác sĩ khuyến cáo, mẹ bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung cần tuân thủ chặt chẽ tư vấn và hướng dẫn điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc bất cứ liệu pháp dân gian truyền miệng nào bởi chưa được kiểm chứng hiệu quả.

Cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung cho bà bầu

Thông thường phác đồ điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung là điều trị viêm nhiễm bằng thuốc, sau đó cân nhắc áp dụng đốt điện hoặc áp lạnh để diệt lộ tuyến nếu thật sự cần thiết (những trường hợp viêm lộ tuyến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống như họ phải mang băng vệ sinh hàng ngày vì tiết dịch).

Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang mang thai, những phương pháp như đốt điện hoặc áp lạnh này không được khuyến khích vì nó không phù hợp cho phụ nữ mang thai.

Do đó, đối với sản phụ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống và/hoặc đặt thuốc âm đạo nhằm cải thiện tình trạng viêm nhiễm. Khi được chẩn đoán bệnh, mẹ bầu cần tuân thủ chặt chẽ tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Ghi nhớ lịch thăm khám định kỳ để được theo dõi chặt chẽ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Để góp phần điều trị hiệu quả, mẹ bầu cần lưu ý:

- Có chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đủ giấc;

- Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, stress ảnh hưởng đến thai nhi;

- Lựa chọn sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ. Không thụt rửa âm đạo;

- Quan hệ tình dục an toàn.

Tốt nhất, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp và cách sử dụng đúng cách.

Empty

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai khiến mẹ bầu lo lắng.

Biện pháp phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai

Lộ tuyến cổ tử cung thường lành tính, tuy nhiên nếu mẹ bầu bị viêm cổ tử cung trong thời gian mang thai mà không được điều trị hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ chảy máu âm đạo, viêm nhiễm nặng làm tăng nguy cơ viêm màng ối, ối vỡ non… Vì thế chủ yếu là dự phòng tình trạng viêm nhiễm sinh dục như:

- Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý phụ khoa nếu có trước khi mang thai;

- Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp, không làm ảnh hưởng đến độ cân bằng pH tự nhiên của âm đạo;

- Không thụt rửa âm đạo;

- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng đầy đủ các biện pháp bảo vệ;

- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trước và sau khi quan hệ;

- Khám thai định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường vùng kín, cần thăm khám càng sớm càng tốt, tránh tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng liệu pháp dân gian chưa được kiểm chứng.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi có thai vẫn có thể được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và chỉ định phương pháp phù hợp, không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....