Stress ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?

Thứ Bảy, 30/11/2019 11:30 AM (GMT+7)

Bạn có biết những ảnh hưởng của stress đến sức khỏe cũng có thể dẫn đến những tình trạng bệnh lý mới hoặc làm trầm trọng hơn những vấn đề hiện có, chẳng hạn như béo phì, bệnh tim, Alzheimer?

stress

Điều gì xảy ra trong cơ thể khi bạn bị stress?

Stress có thể kích hoạt phản ứng của cơ thể giống như khi đối mặt với một mối đe dọa hoặc sự nguy hiểm mà chúng nhận thức được, có tên gọi là phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy (fight-or-flight response).

Khi đó, một số hormone như adrenalin và cortisol sẽ được phóng thích. Điều này làm tăng nhịp tim, chậm quá trình tiêu hóa, tăng lưu lượng máu đến các nhóm cơ chính và thay đổi các chức năng thần kinh tự chủ khác, giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và sức mạnh.

Ban đầu, phản ứng này đặt tên như vậy do cơ thể có xu hướng đối mặt, chiến đấu bằng thể chất hoặc chạy trốn khi gặp một mối nguy hiểm nào đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy chúng cũng kích hoạt trong tình huống mà não bộ không thể đưa ra phản ứng nào phù hợp, chẳng hạn như lúc tham gia giao thông hoặc trong một ngày làm việc căng thẳng.

Khi mối đe dọa không còn nữa, các hệ thống sẽ trở lại chức năng bình thường thông qua phản ứng thư giãn. Thế nhưng, trường hợp bạn bị căng thẳng mạn tính, phản ứng thư giãn sẽ không xảy ra thường xuyên và cơ thể gần như liên tục ở trong trạng thái chiến đấu hay bỏ chạy. Điều đó gây rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Stress cũng khiến bạn hình thành nên một số thói quen không lành mạnh và gây tác động tiêu cực đến sức khỏe. Ví dụ, nhiều người đối phó với tình trạng căng thẳng bằng cách ăn không kiểm soát hoặc hút thuốc lá nhiều hơn. Chính vì thế, cơ thể sẽ phải chịu những ảnh hưởng của stress nếu chúng kéo dài.

10 vấn đề sức khỏe liên quan đến stress

Rõ ràng, giữa tâm trí và thể chất luôn có một sợi dây liên kết với nhau. Khi bạn cảm thấy căng thẳng vì một mối quan hệ không được như ý muốn, tiền bạc hay điều kiện sống, các vấn đề về sức khỏe thể chất cũng dễ xuất hiện.

Ngược lại, khi có những bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường… cũng sẽ gây tác động đến sức khỏe tinh thần, khiến bạn cảm thấy căng thẳng nhiều hơn.

Khi não phải chịu đựng căng thẳng ở mức độ cao, cơ thể cũng phản ứng lại tương ứng như vậy. Sau đây là 10 vấn đề sức khỏe phổ biến có liên quan đến stress mà bạn nên biết.

1. Bệnh tim

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ những người thuộc nhóm tính cách loại A(*) bị căng thẳng có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch và huyết áp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn chưa biết.

Stress có thể liên quan trực tiếp đến tình trạng tăng nhịp tim và lưu lượng máu, giải phóng cholesterol và chất béo triglyceride vào máu. Ngoài ra, căng thẳng cũng có khả năng gây béo phì hoặc kích thích hút thuốc nhiều hơn, gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Các bác sĩ cho biết căng thẳng trong cảm xúc xảy ra đột ngột có thể các tác nhân gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở tim, bao gồm cơn đau tim. Do đó, những người có bệnh tim mạn tính cần tránh để căng thẳng cấp tính xảy ra.

(*) Nhóm tính cách loại A miêu tả những người thích cạnh tranh, hay gấp gáp về mặt thời gian và có xu hướng tham công tiếc việc với mong muốn thành công trong sự nghiệp. Ngược lại là nhóm tính cách B, những người ít có tính cạnh tranh hơn và có xu hướng tận hưởng những hành trình.

2. Hen suyễn

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy stress có khả năng khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Thậm chí, một số bằng chứng còn chỉ ra rằng tình trạng căng thẳng mạn tính ở bố mẹ làm tăng nguy cơ phát triển hen suyễn ở con họ.

Một nghiên cứu quan sát, đánh giá mức độ stress của bố mẹ ảnh hưởng đến tỷ lệ hen suyễn của trẻ trong cùng điều kiện (cùng chịu ô nhiễm không khí hoặc có mẹ hút thuốc trong thai kỳ). Kết quả cho thấy những đứa trẻ có bố mẹ bị stress có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn đáng kể.

3. Béo phì

Mỡ thừa tập trung ở vùng bụng dường như gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe hơn là mỡ tập trung ở chân hay hông. Thật không may, những người thường xuyên bị căng thẳng lại dễ bị tích tụ mỡ ở bụng.

Tình trạng stress khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol hơn bình thường và chúng khiến cơ thể tích trữ lượng mỡ dư thừa ở bụng.

4. Đái tháo đường

Stress có thể khiến bệnh đái tháo đường nặng hơn theo hai chiều hướng.

Đầu tiên, căng thẳng khiến bạn hình thành các thói quen xấu, chẳng hạn như ăn uống không lành mạnh và không kiểm soát.

Thứ hai, tình trạng stress có thể trực tiếp làm tăng nồng độ glucose trong máu ở những người bị đái tháo đường tuýp 2.

 5. Đau đầu

Stress là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây ra đau đầu. Không chỉ gây ra đau đầu căng thẳng mà còn có thể kích thích chứng đau nửa đầu (migraine).

6. Trầm cảm và lo âu

Có lẽ bạn không bất ngờ khi biết căng thẳng mạn tính có liên quan đến trầm cảm và lo âu. Một khảo sát trong các nghiên cứu gần đây cho thấy những người bị stress do công việc có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn 80% trong một vài năm, so với người ít bị stress hơn.

7. Các vấn đề về đường tiêu hóa

Mặc dù stress không gây ra các vết loét ở đường tiêu hóa nhưng có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên nặng hơn.

Đây cũng là yếu tố phổ biến trong nhiều vấn đề khác ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như chứng ợ nóng mạn tính (hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản, GERD) và hội chứng ruột kích thích (IBS).

8. Bệnh Alzheimer

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy căng thẳng có khả năng làm bệnh Alzheimer trầm trọng hơn, khiến các tổn thương ở não xuất hiện nhanh hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc giảm thiểu căng thẳng có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh này.

9. Lão hóa sớm

Thực tế, đã có những bằng chứng cho thấy stress có thể tác động đến việc trông bạn giống bao nhiêu tuổi.

Một nghiên cứu đã so sánh ADN của những người mẹ có tình trạng căng thẳng cao (họ đang phải chăm sóc một đứa trẻ mắc bệnh kinh niên) với những phụ nữ bình thường. Các chuyên gia đã phát hiện một vùng đặc biệt trên nhiễm sắc thể thể hiện tác động lão hóa nhanh hơn.

10. Giảm tuổi thọ

Một nghiên cứu được thực hiện để đánh giá những ảnh hưởng của stress đến sức khỏe bằng cách quan sát những người già phải chăm sóc chồng/vợ của họ. Những người này tự nhiên sẽ chịu đựng những căng thẳng nhất định (chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh).

Kết quả phát hiện ra rằng những người phải chăm sóc người khác có tỷ lệ tử vong cao hơn 63% so với người ở cùng độ tuổi nhưng không cần chăm sóc ai.

Hãy nhớ rằng stress không phải chỉ là một cảm xúc nhất thời. Đó là phản ứng sinh lý hình thành để phản hồi lại một mối đe dọa nào đó. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ phải đáp ứng lại. Mạch máu co lại, huyết áp và nhịp tim tăng lên. Bạn sẽ thở nhanh hơn bình thường và nồng độ các hormone như cortisol, adrenaline trong máu cũng nhiều hơn. Khi stress kéo dài thành mạn tính, những thay đổi về mặt sinh lý sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe thể chất. Do đó, hãy cố gắng thực hiện những biện pháp giúp đối phó với tình trạng căng thẳng hàng ngày để hạn chế những ảnh hưởng của stress đến cơ thể.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....