Tâm lý ưa thích con trai của người Việt và sự lựa chọn giới tính thai nhi

Thứ Sáu, 27/11/2020 02:15 PM (GMT+7)

Trong những năm gần đây, sự gia tăng bất thường về tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh (MCBTSGTKS) tiếp tục diễn ra trong thời gian dài mà không có biện pháp can thiệp hiệu quả sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ về mặt nhân khẩu học, kinh tế, chính trị và xã hội. Tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng TSGTKS đã được ghi nhận từ năm 2004 và bắt đầu tăng lên nhanh chóng từ năm 2005. Mặc dù khởi đầu muộn hơn các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ khoảng 20 năm nhưng tốc độ gia tăng TSGTKS ở Việt Nam nhanh hơn rất nhiều.

Các nghiên cứu trong khu vực cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra một loạt các yếu tố khác nhau tác động đến sự gia tăng của TSGTKS. Trong đó, tâm lý ưa thích con trai được coi là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này. Đây là một tâm thức lâu đời bắt nguồn từ Nho giáo và chế độ gia trưởng ở Việt Nam trong hàng ngàn năm qua. Nó định hình và ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, thái độ và hành vi của các gia đình, cộng đồng và xã hội Việt Nam. Quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân các nước có chung ảnh hưởng của Nho giáo trong đó có Việt Nam.

Từ lâu, con trai đã trở thành biểu tượng của quyền lực và là yếu tố quan trọng quyết định hạnh phúc và thành công của gia đình Việt Nam trong mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế và xã hội. Về khía cạnh văn hóa, trong mô hình gia đình phụ hệ của Việt Nam, chỉ có con trai mới có thể nối dõi tông đường, thờ cúng và chăm sóc mồ mả tổ tiên. Về khía cạnh kinh tế, con trai được ưu tiên hơn con gái trong thừa kế đất đai và tài sản của gia đình. Không chỉ vậy, với phong tục sinh sống bên nội, phụ nữ đã kết hôn ở Việt Nam về sống bên nhà chồng và đóng góp vào gia đình chồng, chăm sóc cha mẹ chồng khi tuổi già. Cuối cùng, có con trai là đảm bảo và tăng cường lòng tự tin, vị thế và uy tín của một gia đình trong cộng đồng. Các gia đình không có con trai thường bị họ hàng, cộng đồng và xã hội cho là không trọn vẹn, thất đức hoặc bất hạnh. Phụ nữ, vốn đã là người yếu thế hơn nam giới, thường phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt hơn và gặp rủi ro nhiều hơn khi không có con trai. Sinh con trai, do đó, là một áp lực triền miên cho gia đình Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cho đến tận ngày nay.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những áp lực về sinh con trai thể hiện rõ hơn ở miền Bắc và sự chênh lệch TSGTKS cao nhất được ghi nhận ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Một trong những cách lý giải cho điều này là do vùng Đồng bằng sông Hồng có nhiều nét tương đồng với văn hóa Trung Hoa và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo với tư tưởng coi trọng nam giới hơn phụ nữ.

Trong quá khứ, để đạt được mục tiêu có con trai trong nhà, hầu hết các gia đình Việt Nam sẽ sinh con cho đến khi họ có ít nhất một con trai. Tuy nhiên, thực hành này đã bị hạn chế bởi chủ trương quy mô gia đình nhỏ và chính sách mỗi gia đình chỉ có một đến hai con. Trong những năm gần đây, hầu hết các gia đình đã tiếp thu quan niệm chỉ có một hoặc hai con do nhận thức về KHHGĐ là cần thiết và có ích cho sự thịnh vượng, hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên mâu thuẫn giữa nhu cầu có ít con và khát khao có con trai. Các gia đình Việt Nam và phụ nữ nói riêng vô tình bị đẩy vào tình thế khó khăn và dễ bị tổn thương khi họ phải đảm bảo có ít nhất một đứa con trai trong khi chỉ có thể có hai con.

Trong hai thập kỷ qua, nhiệm vụ thách thức “phải có con trai” trong điều kiện chỉ có thể có một hoặc hai con đã trở nên dễ dàng hơn nhờ những công nghệ y học hiện đại. Cho dù việc tiết lộ giới tính thai nhi và nạo phá thai do lực chọn giới tính đã bị cấm ở Việt Nam nhưng những người có nhu cầu vẫn dễ dàng tiếp cận các cơ sở y tế cung cấp những dịch vụ này.

Khi sử dụng các phương pháp lựa chọn giới tính để đối phó với các áp lực xã hội phải sinh con trai, phụ nữ gặp phải những nguy cơ rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần. Tâm lý ưa thích con trai cùng với việc dễ dàng tiếp cận các phương pháp hiện đại để lựa chọn giới tính và mức sinh thấp đã khiến cho TSGTKS tại Việt Nam tăng cao. Theo kết quả cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, TSGTKS cả nước là 111,5 bé trai/100 bé gái, ở mức rất cao so với mức sinh học tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách, quy định, nghiên cứu và các chương trình được thực hiện nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề MCBGTKS như việc nghiêm cấm sử dụng các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi dựa trên cơ sở bất bình đẳng giới, đề cao giá trị của trẻ em gái và phụ nữ cũng như thúc đẩy bình đẳng giới nói chung. Tuy nhiên, Việt Nam cần đẩy mạnh các hành động để đạt được những thay đổi tích cực cần thiết trong việc hạ thấp TSGTKS và giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở bất bình đẳng giới.

Ðể làm giảm tình trạng MCBGTKS, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi, giải pháp về kinh tế như chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, bảo đảm an sinh xã hội,... đến việc xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bản chất của công tác DS-KHHGÐ nói chung, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính nói riêng, là một "cuộc vận động lớn". Vì thế, giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi trong đó có việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nâng cao vị thế, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái cũng như tăng cường nhận thức về nguy cơ, hậu quả của việc MCBGTKS để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh mới thật sự mang lại hiệu quả bền vững. Cần có sự chung tay của cả xã hội trong việc hướng đến một đất nước Việt Nam hiện đại và tiến bộ, nơi mà mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có cơ hội thành công, đều được coi trọng và có giá trị như nam giới và trẻ em trai.

Phương Linh/Thanh Thúy/Thế Ân/Đình Nam/Tiến Dương/Thanh Huyền

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...