Thanh Hóa nỗ lực giảm thiểu tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ Sáu, 08/09/2023 07:45 AM (GMT+7)

Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn đang là một vấn đề nhức nhối, cản trở tiến trình nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) Thanh Hóa.

Theo các bác sĩ sản khoa, việc kết hôn khi chưa trưởng thành và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên - lúc cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng tâm lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, bị Down, dị tật, thường xuyên đau ốm, yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS & MN.

Chất lượng dân số có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xã hội nào bảo đảm cho sự hoàn thiện về thể chất, tinh thần, cơ hội phát triển toàn diện cho cá nhân nói riêng, cộng đồng nói chung thì đó là xã hội tiến bộ, văn minh.

Tảo hôn làm suy thoái giống nòi, với nhiều đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh, nguy cơ mắc bệnh tật cao, làm giảm chất lượng dân số, khả năng học tập, lao động của đứa trẻ về lâu dài. Trong các gia đình tảo hôn, những đứa con thường xuyên ốm đau gây tốn kém về kinh tế, thậm chí làm nghèo thêm những gia đình vốn đang nghèo; là một trong những nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, cãi vã thường xuyên trong các gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các cặp vợ chồng và kể cả đứa trẻ khi đã đủ lớn để có nhận thức riêng. Như vậy, tảo hôn đang cản trở việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, tiến bộ ở vùng DTTS &MN nói riêng, cả nước nói chung.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II). Để triển khai đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 2-4-2021. Hiện nay, đề án đã được tích hợp trong Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 9 về “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS” của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021–2030, giai đoạn I từ 2021-2025, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Chương trình 1719). Từ năm 2021 – 2022, nguồn kinh phí cấp tỉnh đã cấp cho các huyện, xã tổ chức 320 hội nghị tuyên truyền cho hơn 35.000 người dân là cán bộ xã, thôn/bản, người có uy tín, người dân; tổ chức 58 buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường học. Lồng ghép tuyên truyền tại các hoạt động hội họp của xã, thôn/bản, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng dân cư...

img-8062-32084272642-o

Đối với nguồn kinh phí thực hiện Chương trình 1719, trong năm 2022, các huyện đã tổ chức được 26 hội nghị tuyên truyền cho hơn 3.700 đại biểu là cán bộ xã, thôn bản, người dân; 3 hội nghị/233 đại biểu tham dự tập huấn kiến thức kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên xã, thôn bản; 2 hội thi rung chuông vàng tại trường học; 5 buổi nói chuyện chuyên đề tại trường học. Các huyện đã lựa chọn và xây dựng các mô hình điểm tại xã, thôn bản, trường học bao gồm 3 mô hình thôn bản, 11 mô hình xã và 9 mô hình trường học.

Đối với cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 247 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện. Tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền/663 đại biểu là cán bộ thôn bản, người có uy tín và người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới của 4 huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân. Đồng thời thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biên soạn, phát hành, cấp phát 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích đến 174 xã, 21 thôn/bản vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Hoạt động tuyên truyền đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức của chính quyền, người dân trên địa bàn góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT.

Để thực hiện hiệu quả đề án “Giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II), trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cả trực tiếp và gián tiếp, như: mở các hội nghị tuyên truyền cho đồng bào, nhất là đồng bào ở các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn và nhóm các DTTS còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hội thi, sân khấu hóa; các hoạt động ngoại khóa trong trường học.

Cấp phát các tài liệu, sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, tờ gấp, áp phích, sổ tay hỏi đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, vấn đề TH&HNCHT đến cơ sở và thôn/bản thuộc phạm vi đề án. UBND các huyện, xã thuộc phạm vi đề án tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình về “Can thiệp làm giảm tình trạng TH&HNCHT” tại xã và trường học.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...