Vô sinh hiếm muộn ở nam giới: Nguyên nhân và giải pháp

Thứ Bảy, 22/10/2022 04:21 PM (GMT+7)

Nhiều người thường nghĩ rằng các cặp vợ chồng không có con là do người vợ “không biết đẻ. Tuy nhiên, ở các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai, nam giới chiếm gần 50% nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn.

1. Vô sinh hiếm muộn là như thế nào?

Tình trạng vợ chồng quan hệ tình dục vẫn bình thường mà không sử dụng bất kỳ biện pháp phòng tránh nào. Thế nhưng sau hơn một năm chung sống vẫn không thể có thai được gọi là hiếm muộn. Nguyên nhân gây ra có thể là do người vợ hoặc người chồng hoặc do cả hai vợ chồng. Vô sinh ở nam được hiểu đơn giản là căn bệnh khiến phái mạnh không có khả năng sinh con.

Hiện nay, việc thăm dò các nguyên nhân gây hiếm muộn nam giới cũng rất hạn chế. Bệnh lý này được chia thành hai loại chính là hiếm muộn nguyên phát và hiếm muộn thứ phát.

Hiếm muộn nam nguyên phát: Đây là tình trạng mà các cặp vợ chồng chưa từng có con và không sử dụng bất kỳ cách phòng tránh thai nào. Thế nhưng, sau nhiều năm liền mà vẫn không thể thụ thai được bởi nguyên nhân chính đến từ nam giới.

Hiếm muộn nam thứ phát: Chỉ những cặp vợ chồng đã có thai ít nhất một lần hoặc có thai nhưng động thai, sảy thai. Và khi muốn tiếp tục sinh đẻ nhưng vẫn không thể có con được. Nguyên nhân chính cũng là do người chồng. 

2. Các nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở nam giới

335-hiem-muon-6958-62c1_large

2.1. Các nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn nam do bệnh lý

Các vấn đề làm cản trở khả năng sinh sản của nam giới có thể là hệ quả của các bệnh lý hay do can thiệp điều trị các bệnh lý khác.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Tình trạng này là khi các tĩnh mạch dẫn lưu cho tinh hoàn bị kéo dãn bất thường, là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh nam. Mặc dù cơ chế giãn tĩnh mạch thừng tinh gây vô sinh vẫn chưa được biết rõ, một số giả thiết cho rằng nó có thể liên quan đến sự điều hòa nhiệt độ tinh hoàn, dẫn đến giảm chất lượng tinh trùng.

Do nhiễm trùng: Một số bệnh lý nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục, như bệnh lậu hoặc HIV, có thể làm cản trở khả năng sản xuất tinh trùng, sức khỏe tinh trùng hoặc có thể gây ra sẹo làm cản trở sự di chuyển của tinh trùng trong các ống tinh hoàn.

Vấn đề xuất tinh: Xuất tinh ngược dòng xảy ra khi tinh dịch đi vào bàng quang khi đạt cực khoái thay vì cần phải phóng thích ra khỏi đầu dương vật. Tình trạng này có thể là biến chứng của các bệnh lý tại chỗ hay toàn thân khác như chấn thương cột sống, phẫu thuật tại bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo, đái tháo đường, dùng thuốc.

Kháng thể kháng tinh trùng: Đây là các tế bào của hệ thống miễn dịch xác định nhầm tinh trùng là kháng nguyên xâm lược có hại và cố gắng tiêu diệt chúng.

Khối u: Ung thư và có khối u bướu lành tính có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản ở nam giới. Một số trường hợp cần phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị để điều trị khối u có thể làm khả năng sinh sản ở người đàn ông suy giảm đáng kể.

Tinh hoàn không di chuyển xuống: Nếu trong quá trình phát triển của bào thai, một hoặc cả hai tinh hoàn không đi xuống từ bụng vào bìu, tinh hoàn sẽ bị tiêu hủy và khả năng sinh sản bị hạn chế.

Mất cân bằng nội tiết tố: Vô sinh có thể là do rối loạn chức năng nội tiết của tinh hoàn hoặc hệ thống nội tiết bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp và tuyến thượng thận. Nếu đo nồng độ testosterone thấp, cần tìm các bệnh lý suy sinh dục nam tiềm ẩn.

Tắc nghẽn ống dẫn tinh: Ống dẫn tinh có thể bị tổn thương và tắc nghẽn do chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc các phát triển bất thường như trong bệnh xơ nang, bệnh di truyền. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, từ trong tinh hoàn, ống dẫn lưu tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh cho đến cả niệu đạo.

Khiếm khuyết nhiễm sắc thể: Các rối loạn di truyền như hội chứng Klinefelter, hội chứng Kallmann, hội chứng Kartagener, xơ nang... gây ra những bất thường trong sự phát triển của cơ quan sinh sản nam.

Vấn đề trong quan hệ tình dục: Đây là những cản trở gặp phải trong việc duy trì sự cương cứng đủ cho quan hệ tình dục (rối loạn cương dương), xuất tinh sớm, giao hợp đau, bất thường về mặt giải phẫu như mở lỗ niệu đạo bên dưới dương vật hoặc cả các vấn đề về tâm lý khi quan hệ.

Bệnh celiac: Đây là một dạng rối loạn tiêu hóa gây ra bởi sự nhạy cảm với gluten. Hơn thế nữa, bệnh celiac có thể gây vô sinh nam. Khi đó, khả năng sinh sản có thể cải thiện sau khi áp dụng chế độ ăn không có gluten.

Một số loại thuốc: Liệu pháp thay thế testosterone, sử dụng steroid dài hạn, hóa trị liệu, thuốc chống nấm... có thể làm giảm sản xuất tinh trùng và giảm khả năng sinh sản của nam giới.

Tiền căn phẫu thuật: Một số phẫu thuật có thể để lại di chứng hạn chế khả năng xuất tinh như sửa chữa thoát vị bẹn, phẫu thuật bìu, tinh hoàn, tuyến tiền liệt cũng như phẫu thuật lớn trong ổ bụng.

vo-sinh-o-nam-gioi-1

2.2. Các nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn nam do môi trường

Tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố môi trường nhất định như nhiệt độ cao, độc tố và hóa chất có thể làm giảm sản xuất hoặc suy yếu chức năng của tinh trùng. Các yếu tố này bao gồm:

- Hóa chất công nghiệp: benzenes, toluene, xylene, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn...

- Tiếp xúc với kim loại nặng: chì, thủy ngân...

- Bức xạ hoặc tia X

- Nhiệt độ cao: Môi trường làm việc quá nóng, mặt quần áo bó sát, thường xuyên xông hơi, tắm nước nóng có thể làm giảm số lượng tinh trùng.

2.3. Các nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn nam do thói quen, lối sống

- Sử dụng ma túy: Sử dụng cocaine hoặc cần sa có thể làm giảm số lượng lẫn chất lượng tinh trùng.

- Uống rượu: Rượu làm giảm nồng độ testosterone, gây rối loạn chức năng cương dương và giảm sản xuất tinh trùng. Bệnh gan do uống rượu quá nhiều cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sinh sản.

- Hút thuốc lá: Những người đàn ông hút thuốc được quan sát thấy là có số lượng tinh trùng thấp hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc thụ động cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

- Cảm xúc tinh thần: Thường xuyên lo âu, căng thẳng có thể ảnh hưởng một số hormone cần thiết để sản xuất tinh trùng. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng mang thai có thể thấp hơn nếu bạn tình nam bị trầm cảm nặng. Ngoài ra, rối loạn tâm lý ở nam giới có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục do giảm ham muốn, rối loạn cương dương, chậm xuất tinh hoặc bị ức chế.

- Cân nặng: Béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản theo nhiều cách, bao gồm cả tác động trực tiếp đến tinh trùng cũng như gián tiếp gây ra các thay đổi hormone.

- Nghề nghiệp: Một số công việc phải ngồi lâu có thể liên quan đến nguy cơ vô sinh.

3. Dấu hiệu vô sinh hiếm muộn của nam giới

Mặc dù hầu hết nam giới bị vô sinh không nhận thấy các triệu chứng khác ngoài việc không thể thụ thai, thế nhưng các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến vấn đề này có thể kể đến như:

- Giảm ham muốn tình dục.

- Xuất tinh sớm.

- Rối loạn cương dương.

- Tinh dịch bất thường (bị vón cục, không hóa lỏng sau khi xuất tinh khoảng 15 - 30 phút, có màu xanh vàng…).

- Cơ quan sinh dục bị đau, sưng tấy, mọc mụn ở tinh hoàn, bìu và đầu dương vật.

hiem-muon-16443718295141975779451-55-0-492-700-crop-16443718361631647440933

4. Phòng ngừa vô sinh hiếm muộn ở nam giới

Hiếm muộn không loại trừ bất cứ ai, nhất là trong tình hình khí hậu, môi trường ngày càng có chiều hướng ô nhiễm, cộng với nhiều áp lực từ cuộc sống, thực phẩm độc hại…

Phòng ngừa hiếm muộn là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp duy trì sức khỏe sinh sản và tiết kiệm chi phí thăm khám bệnh.

Bạn hãy áp dụng và thực hiện những hướng dẫn dưới đây để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc phòng chống bệnh. Bạn nên thực hiện ngay từ những thói quen hàng ngày, cụ thể như sau:

- Duy trì lối sống, sinh hoạt và quan hệ tình dục lành mạnh, điều độ, thủy chung. Không nên quan hệ tình dục quá nhiều, thô bạo. Hạn chế thủ dâm.

- Tập thể dục thể thao hằng ngày. Chọn các môn thể thao phù hợp với tuổi tác, sức khỏe và công việc.

- Hạn chế dùng các chất kích thích, các đồ ăn, thức uống có cồn, có ga.

- Nếu phải làm việc ở môi trường độc hại, ô nhiễm thì cần phải tuân thủ và bảo vệ cơ thể theo đúng chỉ dẫn.

- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Chọn các thực phẩm mang lại chất và lượng cho tinh binh như hàu, chuối, giá đỗ xanh, giá đậu nành. Nên ăn nhiều rau xanh, các loại hạt ngũ cốc. Chú trọng việc duy trì cân nặng hợp với thể trạng.

- Tránh mặc quần chíp quá chật, bó. Hạn chế ngồi lâu, ngâm mình trong nước nóng hay xông hơi quá lâu.

- Nếu thấy các dấu hiệu bất thường về sự xuất tinh, tinh dịch, tinh trùng thì nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để kịp thời xử lý.

5. Quy trình khám và chẩn đoán vô sinh hiếm muộn 

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước đầu tiên để đánh giá tổng quan tình trạng mà nam giới đang gặp phải. Theo đó, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn bộ bộ phận sinh dục nam, đồng thời sẽ hỏi về tiền sử và các thói quen sinh hoạt tình dục có thể tìm ra nguyên nhân khiến nam giới khó có con.

Phân tích tinh dịch

Phân tích tinh dịch rất quan trọng trong việc chẩn đoán vô sinh hiếm muộn ở nam giới. Xét nghiệm này có vai trò kiểm tra chất lượng tinh trùng xem có sự bất thường nào về hình dạng (hình thái) và sự di chuyển (vận động) không. Ngoài ra, phân tích tinh dịch còn có thể giúp phát hiện các dấu hiệu liên quan khác như nhiễm trùng.

Các xét nghiệm bổ sung

Nếu khám lâm sàng và phân tích tinh dịch chưa đủ cơ sở để xác định nguyên nhân hoặc lên phác đồ để điều trị vô sinh hiếm muộn, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thêm các xét nghiệm khác. Các xét nghiệm này bao gồm:

- Siêu âm bìu.

- Xét nghiệm hormone nam.

- Xét nghiệm nước tiểu sau khi xuất tinh.Sinh thiết tinh hoàn.

- Xét nghiệm di truyền.

- Xét nghiệm chức năng tinh trùng chuyên biệt.

6. Cách khắc phục hiếm muộn hiệu quả

Với nền y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị hiếm muộn ở nam giới:

Thụ tinh nhân tạo

Đây là phương pháp dùng các kỹ thuật để giúp quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi, được thực hiện tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa. Phương pháp này gồm các kỹ thuật:

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Đây là kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau 2-5 ngày nuôi cấy bên ngoài, phôi được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để làm tổ và bắt đầu quá trình mang thai.

Thụ tinh ống nghiệm được áp dụng đối với các trường hợp tinh trùng của nam giới gặp vấn đề bất thường ở mức độ nhẹ, hoặc vô sinh không rõ nguyên nhân ở cả vợ lẫn chồng. Tại Việt Nam, tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt 35-40%.

iui-va-ivf-654x372

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI): Tinh trùng sau khi được lọc rửa (chọn ra những tinh trùng đạt chuẩn số lượng và chất lượng) sẽ được bơm vào buồng tử cung. Phương pháp này được áp dụng khi nam giới bị rối loạn chức năng tình dục, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, tinh trùng yếu ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Trên thế giới, tỷ lệ IUI dao động từ 10-20% tùy chất lượng, kỹ thuật của trung tâm hỗ trợ sinh sản và yếu tố khác của bệnh nhân (như tình trạng bệnh lý vô sinh hiếm muộn, độ tuổi, thời gian hiếm muộn…). 

Phẫu thuật

Phương pháp này chỉ thực hiện trên những bệnh nhân gặp bất thường ở cơ quan sinh dục như: phẫu thuật để chỉnh thẳng dương vật, hạ tinh hoàn xuống bìu, phục hồi thành bẹn, tạo hình lỗ tiểu thấp, ghép da bìu dương vật. Trong trường hợp vô tinh bế tắc, bác sĩ sẽ phẫu thuật nối ống dẫn tinh với ống dẫn tinh, nối ống dẫn tinh với mào tinh. Trường hợp vô tinh không bế tắc sẽ được sinh thiết tinh hoàn, cột tĩnh mạch tinh vi phẫu ngã bẹn bìu…

Dùng thuốc

Với vô sinh hiếm muộn, biện pháp điều trị nội khoa thường là dùng thuốc. Tùy vào nguyên nhân mà có các loại thuốc điều trị khác nhau. Trong đó, Clomiphene Citrate, human chorionic gonadotropin (hCG) và human menopausal gonadotropin (hMG) là những loại thuốc thường được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, những loại thuốc trên chỉ có hiệu quả với những trường hợp vô sinh thứ phát. Ngoài ra, nếu sử dụng sai cách, nam giới phải đối mặt với các tác dụng phụ như phát triển vú, mụn trứng cá, thay đổi thói quen tình dục... Chính vì thế, bạn không nên tự ý mua và sử dụng mà cần có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Sử dụng sản phẩm hỗ trợ

Bên cạnh áp dụng các phương pháp điều trị đã đề cập bên trên theo hướng dẫn của bác sĩ, nam giới nên kết hợp thêm những sản phẩm viên uống hỗ trợ có thành phần từ thiên nhiên. Điều này sẽ giúp quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn ở nam giới tăng hiệu quả và rút ngắn được thời gian. Để đạt được điều này, nam giới nên chọn những sản phẩm đã được kiểm chứng, có khả năng kích thích cơ thể tăng cường sản xuất Testosterone nội sinh. Theo đó, Testosterone là hormone sinh dục nam có vai trò hỗ trợ sự phát triển của tinh trùng trưởng thành. Lúc này, không chỉ số lượng và chất lượng tinh trùng tăng mà sức khỏe sinh lý nam cũng được cải thiện đáng kể.

cac-thuc-pham

Xây dựng lối sống khoa học

Bên cạnh phác đồ điều trị, lựa chọn sản phẩm hỗ trợ hiệu quả và uy tín, quý ông cũng cần xây dựng lối sống khoa học:

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm chứa kẽm, đồng và các loại vitamin trong khẩu phần ăn như hải sản, cá, thịt, ngũ cốc, rau xanh, trái cây tươi…

- Luyện tập thể dục 5 lần/tuần, mỗi lần khoảng 45 phút.

- Làm việc và sinh hoạt điều độ, luôn giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng và lo âu.

- Không lạm dụng các chất kích thích, hạn chế thuốc lá, rượu, bia. Không mặc quần lót quá chật.Kiểm soát trọng lượng cơ thể, tránh tăng cân, béo phì.

Lựa chọn thực phẩm thông minh

Việc bổ sung những thực phẩm phù hợp cũng giúp cải thiện một phần tình trạng vô sinh hiếm muộn. Vậy nam giới nên ăn gì chữa vô sinh hiếm muộn? Theo đó, bạn nên cân nhắc bổ sung thực phẩm giàu vitamin B6 (bơ, khoai tây nướng, phô mai, cà chua....), thực phẩm giàu Protein (trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa…) và các thực phẩm giàu coenzyme Q10 (quả óc chó, đậu phộng, đậu nành…) trong bữa ăn hàng ngày.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....