Vỡ tử cung trong chuyển dạ và những điều cần biết

Thứ Ba, 21/02/2023 03:21 PM (GMT+7)

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa xảy ra khi thành tử cung bị rách. Vỡ tử cung có thể khiến mẹ bị băng huyết, em bé ngạt thở vì thiếu oxy hoặc bị tổn thương não bộ. Do vậy, tình trạng này thường đe dọa tính mạng cả sản phụ lẫn thai nhi.

1. Vỡ tử cung trong chuyển dạ là gì?

Vỡ tử cung trong chuyển dạ là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, gồm: vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, nhau bong non, nhiễm trùng hậu sản và uốn ván sơ sinh. Khi vỡ tử cung không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, có thể thai nhi và dịch ối trong tử cung bị tống xuất ra ngoài tử cung và tràn vào ổ bụng. Tình trạng này có thể gây mất máu ở mẹ; thiếu oxy, tổn thương não bộ ở thai nhi.

Về nguyên nhân, vỡ tử cung xảy ra là do áp lực tăng lên trong quá trình chuyển dạ, khi em bé đang di chuyển qua ống sinh của mẹ. Áp lực này sẽ khiến tử cung bị rách và thường là rách dọc theo vị trí của vết sẹo do sinh mổ trước đó. Đây cũng chính là lý do mà các bác sĩ thường khuyên bạn không nên sinh thường nếu trước đó đã từng sinh mổ một lần. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác khiến tử cung của mẹ dễ bị rách trong thai kỳ hoặc khi chuyển dạ, chẳng hạn như:

- Mẹ mang song thai hoặc đa thai.

- Mẹ dùng thuốc giục sinh quá liều (oxytocin hoặc misoprostol).

- Mẹ có tiền sử phẫu thuật tử cung.

2. Nguyên nhân gây ra vỡ tử cung trong chuyển dạ 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vỡ tử cung trong chuyển dạ. Chủ yếu có thể chia thành 3 loại nguyên nhân là nguyên nhân từ phía mẹ, nguyên nhân từ phía thai nhi, nguyên nhân do can thiệp.

  • Nguyên nhân từ phía mẹ

- Mẹ đẻ khó do khung chậu hẹp tuyệt đối, hẹp eo giữa và eo dưới, khung chậu méo... hoặc do có khối u tiền đạo như u cơ ở eo tử cung, u nang buồng trứng, một số u khác trong vùng tiểu khung...

- Mẹ có sẹo mổ cũ ở tử cung.

- Mẹ đã sinh nhiều lần, có tiền sử đa thai nên cơ tử cung nhão, mỏng và dễ vỡ hơn.

- Mẹ đã nhiều lần phá thai, nạo thai.

  • Nguyên nhân từ phía thai nhi

- Thai nhi to toàn bộ có trọng lượng trên 4kg, gây bất tương xứng giữa thai và khung chậu của mẹ.

- Thai to từng phần như thai bị não úng thủy.

- Do ngôi thai và kiểu thế thai bất thường: ngôi chỏm đầu cúi không tốt, ngôi mặt cằm cùng, ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi ngang.

- Đa thai dẫn đến các thai vướng nhau, dị dạng.

  • Nguyên nhân do can thiệp gây ra

- Mẹ bầu được thực hiện các thủ thuật không đúng chỉ định, chưa đủ điều kiện hoặc không đúng kỹ thuật.

- Sử dụng thuốc tăng co không chính xác về chỉ định, liều lượng, không được theo dõi cẩn thận.

Tử cung bị vỡ trong chuyển dạ nguy hiểm như thế nào?

Vỡ tử cung khi sinh nếu không được can thiệp ngay lập tức và hiệu quả có nguy cơ đe dọa tính mạng mẹ bầu lẫn thai nhi. Vỡ tử cung gây chảy máu ồ ạt, mẹ bầu dễ rơi vào tình trạng sốc do mất máu. Ngoài ra, tình trạng này còn đe dọa tính mạng thai nhi. 

20210801_060511_708949_tai-bien-san-khoa.max-800x800

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi. 

3. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

  • Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vỡ tử cung

- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Phương pháp phòng ngừa vỡ tử cung hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

- Quản lý thai kỳ: đối với các thai kỳ có nguy cơ cao như có vết mổ ở tử cung, bất tương xứng thai khung chậu,… cần khám thai ở các cơ sở y tế và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Sử dụng thuốc tăng co tử cung đúng chỉ định và liều lượng.

- Đối với phụ nữ có vết mổ trên cơ tử cung nên biện pháp tránh thai ít nhất 1 năm.

- Đối với các thai kỳ có chỉ định mổ lấy thai nên được mổ chủ động hoặc ngay khi bắt đầu có chuyển dạ.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....