Cảnh báo bệnh lý thai ngoài tử cung ở phụ nữ

Thứ Ba, 28/02/2023 09:25 AM (GMT+7)

Thai ngoài tử cung là một trong những bệnh lý sản khoa được các bác sĩ cảnh báo là không nên xem thường. Thai ngoài tử cung nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chức năng sinh sản của chị em phụ nữ.

Mang thai ngoài tử cung là gì?

Mang thai ngoài tử cung hay chửa ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi thụ tinh lại làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ở bên ngoài buồng tử cung, không phải bên trong tử cung của người mẹ. Tình trạng này có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, thậm chí đe dọa tính mạng thai phụ nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời.

Đối với một thai kỳ bình thường, quá trình thụ tinh sẽ xảy ra bên trong ống dẫn trứng. Sau đó, trứng đã thụ tinh sẽ đi vào tử cung và làm tổ bên trong niêm mạc tử cung. Phôi thai phát triển thành thai nhi và sẽ ở lại bên trong tử cung cho đến khi sinh.

Thai ngoài tử cung bắt đầu với những dấu hiệu như thế nào?

Ở giai đoạn ban đầu, thai ngoài tử cung sẽ khiến chị em phụ nữ xuất hiện các dấu hiệu tương tự như khi mang thai bình thường, đó là: chậm kinh, mệt mỏi, buồn nôn như ốm nghén, buồn ngủ,…Tuy nhiên ở giai đoạn sau, khi khối thai ngoài đã phát triển to lên sẽ có thể gây ra những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng hơn như: xuất huyết âm đạo kéo dài, đau bụng dưới âm ỉ. Trong trường hợp này chị em cần đi thăm khám ngay để được bác sĩ kiểm tra chính xác.

Nếu khi đi thăm khám, bác sĩ siêu âm đầu dò nhưng không quan sát thấy có hình ảnh túi thai ở bên trong khu vực buồng tử cung, cộng với việc xét nghiệm máu thấy nồng độ beta HCG tăng cao thì khả năng chị em đã bị thai ngoài tử cung.

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân theo dõi thêm và tái khám lại để kiểm tra tình hình khối thai. Thông thường nếu trong trường hợp thai ngoài tử cung quá bé thì cũng sẽ chưa thể nhìn thấy rõ ràng qua siêu âm. Ngoài ra, việc theo dõi và tái khám lại sau vài ngày cũng để loại trừ khả năng thai di chuyển chậm vào buồng tử cung hoặc thai ở dạng sảy, thoái triển và đang trong quá trình đào thải.

20190717_091509_639565_20190520_134034_824.max-1800x1800

Mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm không?

  • Thai chết lưu ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ:

Nếu thai chết lưu không được phát hiện để xử lý bào thai sẽ phân hủy ngay bên trong cơ thể mẹ sản sinh ra hàng triệu vi trùng gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục, lâu ngày những vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào máu gây hiện tượng nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

  • Thai ngoài tử cung vỡ gây xuất huyết trong ổ bụng:

Vị trí làm tổ của thai không thuận lợi, do đó khi thai phát triển để tìm lấy nguồn dinh dưỡng từ mẹ thì các gai nhau buộc phải phá hủy cấu trúc của tổ chức mà thai đang bám vào làm tổ.

Đa số các trường hợp chửa ngoài tử cung là thai làm tổ ở ống dẫn trứng, tổ chức này có cấu trúc mỏng nên khi gặp tình trạng thai nằm sai vị trí thì gây rong huyết. Máu chảy nhiều có màu đen, chảy từng ít một. Bào thai nằm ngoài tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào, khi thai vỡ làm máu chảy ồ ạt, đau bụng dữ dội có thể dẫn đến ngất xỉu do mất máu nhiều, da xanh tái, mạch đập nhanh, khó bắt huyết áp. Người mẹ có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

  • Có nguy cơ vô sinh cao:

Tỷ lệ vô sinh khi gặp tình trạng này khác cao do phát hiện muộn đến lúc thai vỡ thì toàn bộ cấu trúc của tổ chức mà thai bám vào sẽ đều bị phá hủy. Khi thai nằm ở ống dẫn trứng thì sẽ được xử lý theo yêu cầu của bác sĩ, đối với những vị trí khác nếu có phát hiện sớm điều trị kịp thời thì khả năng sinh sản cũng khó có thể hồi phục, do quá trình nội soi lấy bào thai sẽ tác động lên ống dẫn trứng gây sẹo từ đó ảnh hưởng đến quá trình gặp trứng của tinh trùng cũng như khả năng làm tổ và nguy cơ tái phát trở lại.

  • Nguy cơ tái phát cao:

Nguy cơ cao tái phát tình trạng này là do người mẹ đã có tiền sử gặp thai ngoài tử cung. Những người đã mắc tình trạng này có lặp lại cao hơn 13 lần so với những người chưa bao giờ mắc. Ngoài ra thai ngoài dạ con rất khó giải quyết triệt để do mắc các bệnh lý liên quan như: viêm nhiễm, u xơ, đặt vòng,…

Những phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán tình trạng thai ngoài tử cung

Những trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ thực hiện một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng, bao gồm:

  • Siêu âm:

Đối với trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định chính xác vị trí của thai nhi. Kết quả siêu âm của thai phụ sẽ cho thấy trong buồng tử cung có hoặc không có túi thai, hoặc thấy được hình ảnh túi thai nằm ở ống dẫn trứng. Thêm vào đó, phương pháp này còn giúp phát hiện và đánh giá tình trạng chảy máu trong trường hợp thai ngoài tử cung bị vỡ.

  • Nội soi ổ bụng:

Nội soi ổ bụng là phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán thai nằm ngoài tử cung một cách nhanh chóng và chính xác. Trong trường hợp thai ngoài tử cung, soi ổ bụng sẽ phát hiện được một bên ống dẫn trứng căng phồng, tím đen. Đó chính là khối thai ngoài tử cung.

  • Thử thai:

Bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ thực hiện xét nghiệm máu để định lượng nồng độ hormone HCG (βhCG) trong cơ thể. HCG là hormone chỉ xuất hiện khi phụ nữ mang thai, do đó xét nghiệm này sẽ cho biết thai phụ có mang thai hay không. Tuy nhiên, chỉ với xét nghiệm này thì chưa thể cung cấp thông tin thai nằm trong hay ngoài tử cung.

  • Các xét nghiệm máu khác:

Ngoài xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ HCG, thai phụ có thể được yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác nhằm kiểm tra tình trạng thiếu máu, cũng như kiểm tra nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu.

Có thai ngoài tử cung phải làm sao?

Thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường, không thể sinh ra cũng như không thể đưa khối thai trở về lại tử cung, do đó cần được loại bỏ để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.

Tùy thuộc vào các triệu chứng thai phụ gặp phải, kích thước và tình trạng hiện tại của khối thai (khối thai ngoài tử cung đã vỡ hay chưa) mà bác sĩ sẽ có tư vấn và hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp, có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....