“Chìa khóa” giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh

Chủ Nhật, 30/08/2020 03:33 PM (GMT+7)

Ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh tuy diễn ra muộn hơn các nước châu Á khác nhưng tốc độ gia tăng nhanh chóng.

mat-can-bang-gioi-tinh

Ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 đến 106 bé trai. Trước đây, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. 

Tuy nhiên, Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng. 

Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số "tự nhiên" là 105 bé trai trên 100 bé gái; năm 2018 tỉ lệ này là 114,8 bé trai/100 bé gái;. Riêng tại Hà Nội, thống kê gần đây nhất của thành phố cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức rất trầm trọng, ở mức 113,2 trẻ trai/100 bé gái.

Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và "dư thừa" đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Dự báo đến năm 2050, khoảng từ 2,3-4,3 triệu đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành khó có khả năng kết hôn.

Nói về thực trạng này, các chuyên gia cho rằng là do tâm lý trọng nam vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân; lạm dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ dễ dàng chẩn đoán giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.

Nói về tâm lý trọng nam của một bộ phận người dân hiện còn tồn tại, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, coi nội trợ là việc của phụ nữ. Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình.

Theo các chuyên gia, sự mất cân bằng về nhân khẩu học chính là hệ quả của việc chọn lọc giới tính trước khi sinh gây ra bởi tư tưởng thích con trai vốn đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới.

Thực tế cho thấy, nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường về trật tự xã hội, an ninh chính trị; kéo theo đó là hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, nhiều nam giới sẽ phải sống trong tình trạng độc thân khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trong tương lai.

Trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, cho biết, một trong những Mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

 “Mất cân bằng giới tính khi sinh là một vấn đề đáng báo động và có xu hướng tiếp tục lan rộng, cả nông thôn, thành thị và nhiều vùng miền. Vì thế, một trong những Mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.” - ông Nguyễn Doãn Tú cho hay. 

Và để triển khai nhiệm vụ này, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) chia sẻ: "Chúng ta phải chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ này để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Việt Nam đang đạt được tiến bộ, nhưng những tiến bộ ấy cần được đẩy mạnh nhanh hơn nữa trong Thập kỷ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Để triển khai nhiệm vụ này, nam giới cần đóng vai trò đặc biệt. Tôi kêu gọi nam giới tại Việt Nam hãy nâng cao giá trị của trẻ em gái và yêu cầu đối xử bình đẳng, quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Chúng tôi đặc biệt cần nam giới và trẻ em trai góp sức thực hiện nỗ lực này."

Cũng theo bà Naomi Kitahara, về phía Quỹ Dân số Liên hợp quốc, cơ quan này sẽ hỗ trợ Việt Nam và các tổ chức xã hội thúc đẩy hơn nữa sự thay đổi hướng tới một đất nước Việt Nam hiện đại và tiến bộ, để mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có cơ hội thành công trong xã hội như nam giới và trẻ em trai, và các trẻ em gái đều được coi trọng và có giá trị như trẻ em trai.

Duyen

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...