Mục đích, quan điểm xây dựng Luật Dân số và phạm vi, đối tượng áp dụng của Luật Dân số

Thứ Ba, 21/06/2022 02:57 PM (GMT+7)

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Dân số theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới  (Nghị quyết số 21-NQ/TW), Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Dân số theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số, trong đó nội dung về mục đích, quan điểm xây dựng Luật Dân số và phạm vi, đối tượng áp dụng của Luật Dân số như sau:

I. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT DÂN SỐ

1. Mục đích xây dựng Luật Dân số

Tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng; hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu lực quản lý và tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung của công tác dân số.

2. Quan điểm xây dựng Luật Dân số

Một là, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác dân số, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Hai là, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với các cam kết chính trị của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về dân số và phát triển.

Ba là, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số và phát triển.

Bốn là, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý công tác dân số; cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng, xã hội và quốc gia.

Năm là, kế thừa Pháp lệnh Dân số; phát triển phù hợp với xu thế của thời đại; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xử lý các vấn đề dân số; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam để điều chỉnh những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến công tác dân số.

II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA LUẬT DÂN SỐ

1. Phạm vi điều chỉnh

Để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật, sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý của Nhà nước, Luật Dân số quy định về quy mô dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân số; nâng cao chất lượng dân số; điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về công tác dân số, trong đó:

- Về quy mô dân số, quy định những nội dung về yêu cầu, biện pháp điều chỉnh mức sinh; quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số; cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình; phòng tránh vô sinh và thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; phá thai và quản lý về phá thai; biện pháp tránh thai; cung cấp dịch vụ thân thiện về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người chưa thành niên; quản lý chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các nội dung khác liên quan.

- Về cơ cấu dân số, quy định những nội dung về điều chỉnh cơ cấu dân số, tận dụng lợi thế và thích ứng với sự thay đổi cơ cấu dân số; bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý; biện pháp ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên.

Để tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, quy định các biện pháp thực hiện của Nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan. Để thích ứng với già hoá dân số, quy định các biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già; chăm sóc dài hạn người cao tuổi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

- Về phân bố dân số, quy định những nội dung về phân bố dân số hợp lý; phân bố dân số nông thôn; phân bố dân số đô thị; phân bố dân số vùng thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo (địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh), vùng dân di cư tự do, khu rừng phòng hộ, đặc dụng; di cư trong nước và di cư quốc tế và các nội dung khác liên quan.

- Về chất lượng dân số, quy định những nội dung về yêu cầu và biện pháp nâng cao chất lượng dân số; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; nâng cao chất lượng dân số tại cộng đồng và các nội dung khác liên quan.

- Về điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số, quy định những nội dung về xây dựng, phát triển đội ngũ làm công tác dân số; nghiên cứu khoa học về dân số và phát triển; nguồn tài chính đầu tư cho công tác dân số; xã hội hóa hoạt động dân số; hợp tác quốc tế về dân số và phát triển; lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về công tác dân số, quy định nội dung quản lý nhà nước về công tác dân số; trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân số của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và gia đình, cá nhân về công tác dân số.

2. Đối tượng áp dụng

Luật Dân số áp dụng đối với công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW. Nghị quyết đề ra quan điểm chỉ đạo là:

“ - Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

- Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

- Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

- Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.

- Tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quản lý chuyên môn, nghiệp vụ”.

Lưu Trung Kiên

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....