Sự cần thiết ban hành Luật Dân số để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số trong tình hình mới

Thứ Ba, 21/06/2022 09:30 AM (GMT+7)

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật Dân số theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới  (Nghị quyết số 21-NQ/TW), Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật Dân số theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số, trong đó nội dung về sự cần thiết ban hành Luật Dân số như sau:

1. Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số

Công tác dân số có vị trí, vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia. Trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, các mục tiêu về dân số chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, gắn bó mật thiết với phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được vị trí, vai trò của công tác dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định chính sách dân số có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc. Trong 35 năm đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề[1], Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 01 Nghị quyết, 01 Chỉ thị, 03 Kết luận[2]. Nghị quyết số 21-NQ/TW xác định“Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.

Trên thực tế triển khai các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác dân số đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, năm 2006 nước ta đã đạt mức sinh thay thế và duy trì đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội. Kết quả công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm[3], góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra quan điểm công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Một số vấn đề dân số mới nảy sinh được Nghị quyết 21-NQ/TW đề cập đó là: (1) Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; (2) Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; (3) Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hoá dân số; (4) Chất lượng dân số còn thấp; (5) Phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập; (6) Việc lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển chưa được chú trọng đúng mức.

Những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Dân số, góp phần cùng hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

3. Khắc phục các hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Dân số

Pháp lệnh Dân số là văn bản pháp lý cao nhất quy định các vấn đề về dân số, các biện pháp thực hiện công tác dân số và quản lý nhà nước về dân số, khắc phục tình trạng tản mạn, phân tán điều chỉnh những vấn đề dân số ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật trước đó.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới, cần khắc phục một số hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Dân số, đó là: chưa quy định để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, chất lượng dân số[4]; chưa quy định hoặc giao cấp có thẩm quyền quy định về quyền, trách nhiệm và cơ chế thực hiện của các chủ thể trong xã hội, về chính sách ưu tiên, đối tượng ưu tiên, mức ưu tiên; chưa quy định trình tự, thủ tục để giải quyết những vấn đề dân số; chưa quy định để lồng ghép các yếu dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

4. Bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống chính sách, pháp luật

Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 2 Điều 58: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”, tại khoản 2, Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân nên cần phải ban hành Luật Dân số để quy định những nội dung liên quan đến quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.

Qua rà soát, hiện có khoảng 54 luật liên quan đến các nội dung về công tác dân số [5]. Để hoàn thiện chính sách, pháp luật theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP[6] giao các bộ ngành xây dựng, trình Luật Dân số và sửa đổi 06 luật, gồm: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo hiểm y tế; giao 11 bộ, ngành xây dựng, triển khai 33 chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể [7] (27/39 văn bản đã được các bộ ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành). Ngoài ra, Nhà nước còn ban hành nhiều chính sách liên quan về dân số.

Do đó, đặt ra yêu cầu phải ban hành Luật Dân số để điều chỉnh các vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân và đồng bộ, thống nhất với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành.

5. Đáp ứng đủ các điều kiện về nguồn lực để thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác dân số

Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, nguồn vốn viện trợ cho công tác dân số bị cắt giảm mạnh. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ làm thay đổi phương thức quản lý về công tác dân số.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Nhà nước xây dựng đội ngũ làm công tác dân số chuyên nghiệp và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu chính sách dân số. Có chính sách đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này, đặc biệt người làm công tác dân số tại cơ sở, cộng tác viên dân số... 

Để đáp ứng đủ các điều kiện về nguồn lực thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác dân số trong tình hình mới cần được nghiên cứu, quy định nội dung này trong Luật Dân số. Trong đó huy động nguồn lực xã hội để thực hiện toàn diện công tác dân số; ngân sách trung ương cần tập trung để duy trì mức sinh thay thế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình của người dân, bao gồm cả vị thành niên, thanh niên; mở rộng diện bao phủ các dịch vụ tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi...

Qua phân tích nêu trên, Luật Dân số được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội; tạo cơ sở huy động các nguồn lực triển khai chính sách, biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Đảng và Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới.

-------------------

[1] Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới.

[2] Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị khóa IX; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 06/3/1995 của Ban Bí thư khóa VII; Thông báo số 160-TB/TW ngày 04/6/2008 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của Ban Bí thư khóa X; Kết luận số 44-KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị khóa X; Kết luận số 119-KL/TW ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư khóa XI.

[3] Đề án về công tác dân số trong tình hình mới của Bộ Chính trị trình Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

[4] Tại thời điểm ban hành Pháp lệnh Dân số, Việt Nam chưa đạt mức sinh thay thế (đạt từ năm 2006); vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chưa nổi lên và ở mức nghiêm trọng (bắt đầu từ những năm 2006-2007); chưa xuất hiện cơ cấu dân số vàng (từ năm 2007) và bước vào giai đoạn già hoá dân số (từ năm 2011); chưa tính đến lồng ghép các yếu tố dân số trong phát triển...

[5] Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Người cao tuổi, Luật Thanh niên, Luật Trẻ em, Luật Việc làm, Luật Cư trú, Luật Khám bệnh chữa bệnh, Luật Thể dục, thể thao, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Giáo dục, Luật Du lịch...

[6] Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

[7] Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 về Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030; số 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020 về Chương trình Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; số 1848/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 về Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình đến năm 2030; số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 về Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 về Chương trình Điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030...

Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW. Nghị quyết đề ra mục tiêu “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Lưu Trung Kiên

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....